Sắp xếp đơn vị hành chính: Bảo đảm tập trung nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển

Xem với cỡ chữ : A- A A+

(QBĐT) - Sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2024. Trên cơ sở các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 với nhiều nội dung cụ thể nhằm bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới.

Bức tranh toàn cảnh

 

Đề án đã đánh giá hiện trạng ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh từ năm 1945 đến nay. Từ bức tranh tổng thể đó, hiện trạng 25 ĐVHC cấp xã gồm 24 xã, 1 phường trong diện sắp xếp (Quảng Bình không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp), được rà soát, đánh giá toàn diện, cụ thể các tiêu chí và những chính sách đặc thù liên quan.

 

Theo đề án, tỉnh Quảng Bình xây dựng phương án sắp xếp 15 ĐVHC (trong đó có 11 ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp và 4 ĐVHC thuộc diện khuyến khích sắp xếp) thành 7 ĐVHC. Cụ thể: Tại huyện Minh Hóa: 3 xã Hóa Phúc, Hóa Thanh, Hóa Tiến sau sắp xếp sẽ thành lập xã mới mang tên Tân Thành.

 

Tại TX. Ba Đồn: Các xã Quảng Tân và Quảng Thủy sắp xếp thành xã Tân Thủy. Hai xã Phù Hóa, Cảnh Hóa thuộc huyện Quảng Trạch sắp xếp thành xã Phù Kinh. Huyện Bố Trạch có 6 xã, sau sắp xếp còn lại 3 xã là Vạn Lộc (Sơn Lộc-Vạn Trạch), Hạ Mỹ (Hạ Trạch-Mỹ Trạch) và Lý Nam (Lý Trạch-Nam Trạch). Tại Quảng Ninh, xã Lương Ninh được nhập vào thị trấn Quán Hàu.

 

Quá trình xây dựng phương án tổng thể và Đề án sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025, tỉnh đã cân nhắc thận trọng các yếu tố đặc thù, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thực hiện sắp xếp 3 ĐVHC sang giai đoạn 2026-2030 là Đức Trạch (Bố Trạch), Cam Thủy, Dương Thủy (Lệ Thủy).

 

Bên cạnh đó, xem xét toàn diện quá trình hình thành, phát triển của các địa phương, tỉnh đề nghị không sắp xếp 11 ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp, gồm: Cảnh Dương, Quảng Tiến, Quảng Thanh (Quảng Trạch), Quảng Hải, Quảng Hòa, Quảng Văn (TX. Ba Đồn), Nhân Trạch (Bố Trạch), Đức Ninh, Quang Phú và phường Phú Hải (TP. Đồng Hới) nhằm giữ gìn, củng cố và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống, lịch sử, phong tục, tập quán, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, quốc phòng, an ninh, tạo thuận lợi trong phát triển đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Một góc phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới), ĐVHC được sắp xếp vào năm 2020.

Một góc phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới), ĐVHC được sắp xếp vào năm 2020.

 

 

Quan trọng, cần thiết và hiệu quả

 

Sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng đắn và cần thiết của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Quá trình thực hiện nhiệm vụ hệ trọng và phức tạp này cũng đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc và được tập trung tháo gỡ. Căn cứ hiện trạng và hiệu quả hoạt động của các ĐVHC sau sắp xếp thời gian qua, có thể thấy nhiệm vụ này đã đạt các mục tiêu đề ra.

 

Giai đoạn 2019-2021, toàn tỉnh đã sắp xếp 16 ĐVHC, thành lập mới 8 xã, phường, thị trấn. Qua 4 năm đi vào hoạt động, các xã, phường, thị trấn mới đã khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả của việc sắp xếp ĐVHC. Năm 2020 cũng là thời điểm tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025, công tác chuẩn bị và triển khai đại hội ngay sau khi xã, phường, thị trấn được thành lập mới đã bảo đảm yêu cầu đề ra, bộ máy chính trị được kiện toàn và hoạt động ổn định, nhân dân đồng thuận, ủng hộ.

 

Trao đổi về những kết quả quan trọng của phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới) (ĐVHC được thành lập mới trên cơ sở sắp xếp nhập hai phường Đồng Mỹ và Hải Đình năm 2020), ông Nguyễn Văn Nhượng, cán bộ hưu trí phường Đồng Hải cho biết: Cùng với việc tinh gọn bộ máy, đội ngũ cán bộ phường và các chi bộ, tổ dân phố cũng được kiện toàn, bảo đảm năng lực. Hoạt động của phường mới thành lập ổn định, hầu như không bị xáo trộn. Ông Nhượng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc sắp xếp cán bộ, bởi đây là yếu tố tiền đề cho thành công hoặc nảy sinh khó khăn, bất cập trong quá trình sắp xếp và hoạt động sau sắp xếp.

 

Những kết quả và bài học kinh nghiệm quan trọng trong sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021 là tiền đề quan trọng cho việc sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 

"Hiểu dân và đặt lợi ích của dân lên trên hết"

 

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Tiến Nên, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch). Ông Nên cho biết: Là làng biển vừa tròn 380 năm thành lập, Cảnh Dương có bề dày truyền thống với những bản sắc riêng, các tập tục về tín ngưỡng, lễ hội, sản xuất, sinh hoạt đời sống, là làng chiến đấu kiểu mẫu, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… Nhân dân Cảnh Dương luôn có ý thức chấp hành, có tinh thần xây dựng, sẵn sàng ủng hộ các chủ trương của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên bà con vẫn băn khoăn khi biết xã Cảnh Dương thuộc diện ĐVHC phải sắp xếp.

Lễ hội đua thuyền mừng Quốc khánh 2/9 tại làng biển Cảnh Dương.

Lễ hội đua thuyền mừng Quốc khánh 2/9 tại làng biển Cảnh Dương.

 

“Nay được biết tỉnh đã xem xét các yếu tố đặc thù của địa phương và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét không tiến hành sắp xếp, bà con rất phấn khởi và yên tâm khi những trăn trở đã được hóa giải. Kết quả này khiến bà con phấn khởi, tin tưởng vào các chủ trương, đường lối của Đảng, bởi Đảng đã luôn hiểu dân và đặt lợi ích của dân lên trên hết!”, ông Nên khẳng định.

 

Chủ tịch Hội LHPN xã Nhân Trạch (Bố Trạch) Nguyễn Thị Thành cũng chia sẻ về niềm vui của cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã. Theo đó, ngay từ những ngày đầu tỉnh chuẩn bị phương án sắp xếp các ĐVHC, cán bộ và nhân dân địa phương đã quan tâm theo dõi. Việc tỉnh đề nghị Trung ương không sắp xếp 11 ĐVHC cấp xã lần này, trong đó có Nhân Trạch bởi các yếu tố đặc thù về quốc phòng, cộng đồng dân cư... đã khẳng định sự quan tâm sâu sát của tỉnh đối với nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC, tạo thuận lợi để Nhân Trạch phát triển ổn định, nhân dân tin tưởng, đồng thuận.

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng: Sắp xếp ĐVHC là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần sự vào cuộc, tập trung cao độ của toàn bộ hệ thống chính trị. Việc lấy ý kiến nhân dân phải được tổ chức bảo đảm quy trình, quy định, khách quan, công khai, minh bạch và tôn trọng nhân dân. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và cán bộ hiểu về chính sách để tạo sự đồng thuận cao, quá trình triển khai cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thực hiện việc sắp xếp, mở ra không gian phát triển mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân!

Bố Trạch cũng là địa phương có số ĐVHC thuộc diện phải sắp xếp lớn nhất với 6 xã. Trên cơ sở kết quả và bài học kinh nghiệm trong sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019-2021, nhất là những nỗ lực và cách làm mới nhằm giải quyết hiệu quả bài toán về công tác cán bộ sau sắp xếp, hiện tại có những ĐVHC thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2026-2030 nhưng huyện vẫn rà soát, cân nhắc và quyết tâm đưa vào sắp xếp trong giai đoạn này nhằm đạt mục tiêu chung của cả giai đoạn 2023-2030. 

Tại huyện Minh Hóa, Bí thư Đoàn xã Hóa Thanh Cao Trung Nhi cho biết, những khó khăn khi sắp xếp 3 xã Hóa Thanh, Hóa Phúc, Hóa Tiến là công tác cán bộ và quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội khi địa hình khó khăn và địa bàn rộng. “Mặc dù còn những trăn trở, nhưng tôi luôn nỗ lực tuyên truyền vận động để bà con đồng thuận, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp ĐVHC. Là một cựu chiến binh và cán bộ Đoàn, tôi được giao phụ trách Hội Cựu chiến binh xã, trong quá trình tuyên truyền, vận động, tôi luôn lắng nghe ý kiến nhân dân, kịp thời nắm bắt tình hình, nhất là những khó khăn, vướng mắc để báo cáo lãnh đạo địa phương tập trung tháo gỡ!”, anh Cao Trung Nhi chia sẻ.

 

(Theo Báo Quảng Bình)

Các tin khác