Giới thiệu tổng quan

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Trụ sở: Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình

   

    Gắn liền với các giai đoạn lịch sử của đất nước và của ngành Tổ chức nhà nước nói chung, ngành Tổ chức nhà nước tỉnh Quảng Bình đã không ngừng trưởng thành qua các thời kỳ lịch sử của Tỉnh.

 

    Ủy ban hành chính tỉnh ra đời, phòng Tổ chức - Cán bộ tỉnh Quảng Bình được thành lập để giúp Thường trực Ủy ban hành chính tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tổ chức- bộ máy và xây dựng chính quyền các cấp của Tỉnh.

 

    Ngày 13/6/1963, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 15/NV về việc chấn chỉnh tổ chức bộ máy, yêu cầu Ủy ban hành chính đưa các công tác do Bộ Nội vụ chỉ đạo ở khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào một đầu mối tổ chức thống nhất, lấy tên là Ban Tổ chức dân chính, được tổ chức thành 02 khối: Khối công tác tổ chức và khối chính sách. Các nhiệm vụ của Ban Tổ chức dân chính- theo quy định của thông tư 15/NV, gồm: xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy của địa phương; phân nhiệm và phân cấp quản lý; xây dựng và sửa đổi chế độ công tác; nghiên cứu việc điều chỉnh địa giới; tổ chức phục vụ bầu cử, kiện toàn tổ chức chính quyền xã, huấn luyện các Ủy viên Ủy ban hành chính xã; quản lý phân bổ biên chế; quản lý cán bộ theo phân cấp; thi hành các chính sách cho cán bộ, công nhân viên chức, thi hành các chính sách cho cán bộ xã, thi hành chính sách cho thương binh, liệt sĩ; thi hành các chính sách về thể lệ, hộ tịch, lập hộ, thi hành các chính sách về cứu tế xã hội…

 

    Năm 1970, Ban Tổ chức dân chính được đổi tên thành Ban Tổ chức chính quyền tỉnh. Chức năng, nhiệm vụ của Ban TCCQ tập trung nghiên cứu xây dựng và kiện toàn bộ máy các ngành, các cấp nhằm định rõ chức năng, nhiệm vụ, hệ thống tổ chức và các mối quan hệ; quản lý biên chế, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cơ quan nhà nước; hướng dẫn việc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp theo quy định của pháp luật; theo dõi tình hình hoạt động của HĐND các cấp; thành lập và theo dõi tình hình hoạt động của các hội quần chúng.

 

    Thời kỳ 1956-1976, cơ cấu của Ban Tổ chức dân chính được tổ chức lại gồm: Ủy viên Ủy ban hành chính tỉnh giữ chức Trưởng ban, phụ trách công tác cán bộ, một Phó Trưởng ban chuyên trách phụ trách công tác xây dựng chính quyền. Cơ quan hình thành ba bộ phận gồm: Tổ chức cán bộ, Xây dựng chính quyền, Hành chính và quản trị.

 

    Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với cơ quan Ủy ban hành chính tỉnh, Ban Tổ chức chính quyền đã 8 lần di chuyển địa điểm (Vạn Ninh, Hoa Thủy, Tây Trạch, Trung Trạch, Đồi Mỹ Cương…) để bảo đảm an toàn cơ sở vật chất và con người, đáp ứng nhanh chóng và có hiệu quả những chủ trương của Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, xây dựng chính quyền các cấp góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

    Năm 1976, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế hợp nhất thành tỉnh Bình - Trị - Thiên; Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Quảng Bình hợp nhất với Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành trên ba tỉnh hợp nhất.

 

    Tháng 7/1989, Quảng Bình trở lại với với địa danh truyền thống của mình, Ban Tổ chức chính quyền được thành lập với nhiệm vụ cơ bản tập trung là ổn định tổ chức bộ máy và cán bộ của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, nhanh chóng đưa mọi hoạt động của một tỉnh mới được chia tách trở lại hoạt động bình thường.

 

    Ngày 07/01/2004, thực hiện Nghị định của Chính phủ, UBND tỉnh đã quyết định đổi tên Ban Tổ chức chính quyền thành Sở Nội vụ; ngày 13/9/2004, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 55/2004/QĐ-UB quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ, theo đó, Sở Nội vụ là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng QLNN về các lĩnh vực: Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; tổ chức chính quyền địa phương; công tác cải cách hành chính; quản lý địa giới hành chính; bồi dưỡng, đào tạo và quản lý cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ chính quyền cơ sở; tổ chức hội và tổ chức phi chính phủ. Cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ gồm Văn phòng, Thanh tra Sở và 03 phòng chuyên môn: Xây dựng chính quyền, Công chức Viên chức, Tổ chức biên chế. Ở cấp huyện, thành lập phòng Nội vụ - Lao động Thương binh và Xã hội.

 

    Theo mô hình tổ chức bộ đa ngành, trước yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ và Thông tư số 04/2008/TT-BNV ngày 04/6/2008 của Bộ Nội vụ, ngày 25/3/2008, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 526/QĐ-UBND về việc sáp nhập Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh vào Sở Nội vụ, chuyển chức năng quản lý nhà nước về Văn thư, lưu trữ nhà nước và Trung tâm lưu trữ từ Văn phòng UBND tỉnh sang Sở Nội vụ. 

 

    Ngày 04/11/2008, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 14/2008/QĐ-UBND về việc ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nôi vụ tỉnh Quảng Bình. Theo đó, Sở Nội vụ là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nội vụ, gồm: Tổ chức bộ máy; biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước; cải cách hành chính; chính quyền địa phương; địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; tổ chức hội, tổ chức phi Chính phủ; văn thư, lưu trữ Nhà nước; tôn giáo; thi đua - khen thưởng. Cơ cấu tổ chức Sở Nội vụ gồm 06 phòng chuyên môn nghiệp vụ, 02 Ban và 01 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

 

    Từ đây, với chức năng của một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh quản lý nhà nước đa ngành, nhiệm vụ đổi mới tổ chức phải đòi hỏi song song với đổi mới cơ chế vận hành, đổi mới sự phân công, tổ chức lại lao động trong bộ máy. Cán bộ lãnh đạo, quản lý đòi hỏi phải có trình độ bao quát tổng hợp hơn; công chức, viên chức đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vừa chuyên sâu, vừa tổng hợp. Hơn một năm ổn định tổ chức bộ máy, Sở Nội vụ đã quy chế hoá các hoạt động quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, ISO, chuẩn hoá các quy trình quản lý và quy trình tác nghiệp. Phân công lao động được tổ chức hợp lý trên cơ sở các nguyên tắc tổng hợp, hệ thống, chế định, chuyên môn hoá…Đồng thời xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, mối liên hệ, ảnh hưởng và tác động qua lại lẫn nhau của các đơn vị, hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lặp, tăng động lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

 

    Đối với UBND cấp huyện, Phòng Nội vụ là cơ quan chuyên môn có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực nội vụ ở địa phương.

 

    Qua nhiều chặng đường lịch sử, ngành Nội vụ tỉnh Quảng Bình đã có bước trưởng thành và phát triển tự hào. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng toàn ngành đã phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, nhiệt tình trong công việc, chung sức, cộng đồng trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao./.