Quyết định phê duyệt Đề án "Xác định chỉ số cải cách hành chính cấp sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình"

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 Ngày 26 tháng 12 năm 2013, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số: 3229 /QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án "Xác định chỉ số cải cách hành chính cấp sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình". Với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG
1. Mục tiêu
    - Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.
    - Tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, công dân tham gia giám sát việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính cũng như việc quản lý chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước và việc thực thi công vụ của CBCC góp phần cải thiện chỉ số cạnh tranh (PCI) của tỉnh.
    - Xây dựng được công cụ theo dõi, đánh giá chính xác, khoa học, khách quan về cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã với hệ thống các tiêu chí phù hợp với đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của từng cấp; xác định được thang điểm, phương pháp đánh giá cho các tiêu chí, từ đó xác định được Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của từng cơ quan, đơn vị ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã.
    - Thông qua việc hiện thực hoá Chỉ số cải cách hành chính đối với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng, hiệu quả hoạt động, tinh thần trách nhiệm, ý thức đạo đức công vụ của đội ngũ CBCC nhất là những CBCC trực tiếp đảm nhiệm công tác cải cách hành chính và bộ phận một cửa, một cửa liên thông hiện đại các cấp.
    - Hàng năm công bố Chỉ số cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc thực hiện Chỉ số này làm cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp và là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng hàng năm cho tập thể, cá nhân.
2. Yêu cầu
    - Chỉ số cải cách hành chính phải bám sát nội dung Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 ban hành tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ; Quyết định số 885/QĐ-UBND ngày 19/4/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020.
    - Bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế và đánh giá thực chất, khách quan kết quả triển khai cải cách hành chính theo chu kỳ hàng năm ở các cơ quan, đơn vị theo từng cấp.
    - Các tiêu chí trong Chỉ số cải cách hành chính phải bảo đảm phản ánh đúng bản chất của việc thực hiện công tác cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh được những việc làm được và chưa làm được, tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính.
    - Tăng cường sự tham gia đánh giá của cá nhân, tổ chức đối với quá trình triển khai cải cách hành chính của các cấp. Hình thành được hệ thống theo dõi, đánh giá đồng bộ, thống nhất, từng bước ổn định trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh tới cơ sở.
3. Phạm vi và đối tượng
- Phạm vi áp dụng là: Công tác theo dõi, đánh giá kết quả triển khai thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn.
- Đối tượng áp dụng là: Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn.

II. CÁC LĨNH VỰC, TIÊU CHÍ, TIÊU CHÍ THÀNH PHẦN, THANG ĐIỂM VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ CỦA CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH.
1. Các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần
a. Chỉ số CCHC các sở, ban, ngành
Chỉ số cải cách hành chính các sở, ban, ngành được xác định trên 08 lĩnh vực, 34 tiêu chí và 84 tiêu chí thành phần, cụ thể:
    - Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: 08 tiêu chí và 21 tiêu chí thành phần;
    - Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật: 04 tiêu chí và 13 tiêu chí thành phần;
    - Cải cách thủ tục hành chính: 02 tiêu chí và 07 tiêu chí thành phần;
    - Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: 05 tiêu chí và 08 tiêu chí thành phần;
    - Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: 06 tiêu chí và 15 tiêu chí thành phần;
    - Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập: 02 tiêu chí và 04 tiêu chí thành phần;
    - Hiện đại hóa hành chính: 03 tiêu chí và 08 tiêu chí thành phần;
    - Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông: 04 tiêu chí và 08 tiêu chí thành phần.
b. Chỉ số cải cách hành chính cấp huyện
Chỉ số cải cách hành chính cấp huyện được xác định trên 08 lĩnh vực, 34 tiêu chí và 90 tiêu chí thành phần, cụ thể:
    - Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: 08 tiêu chí và 22 tiêu chí thành phần;
    - Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật: 04 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần;
    - Cải cách thủ tục hành chính: 02 tiêu chí và 07 tiêu chí thành phần;
    - Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: 05 tiêu chí và 08 tiêu chí thành phần;
    - Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: 06 tiêu chí và 18 tiêu chí thành phần;
    - Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập: 02 tiêu chí và 04 tiêu chí thành phần;
    - Hiện đại hóa hành chính: 03 tiêu chí và 08 tiêu chí thành phần;
    - Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông: 04 tiêu chí và 11 tiêu chí thành phần;
c. Chỉ số cải cách hành chính cấp xã
Chỉ số cải cách hành chính cấp xã được xác định trên 8 lĩnh vực, 30 tiêu chí và 65 tiêu chí thành phần, cụ thể:
    - Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: 07 tiêu chí và 18 tiêu chí thành phần;
    - Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật:03 tiêu chí và 13 tiêu chí thành phần;
    - Cải cách thủ tục hành chính: 02 tiêu chí và 03 tiêu chí thành phần;
    - Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: 03 tiêu chí;
    - Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: 06 tiêu chí và 11 tiêu chí thành phần;
    - Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập: 02 tiêu chí;
    - Hiện đại hóa hành chính: 02 tiêu chí và 3 tiêu chí thành phần;
    - Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông: 05 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần;
Các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC sở, ban, ngành, cấp huyện, cấp xã được quy định cụ thể tại Phụ lục 1, 2, 3 (kèm theo).
2. Thang điểm đánh giá
    - Thang điểm đánh giá là 100;
    - Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học cấp tỉnh là: 25/100;
    - Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học cấp huyện là: 25/100;
    - Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học cấp xã là: 30/100;
Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí, tiêu chí thành phần tại Phụ lục 1, 2, 3 (kèm theo).
3. Phương pháp đánh giá
    - Điểm tự đánh giá: Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã hàng năm tự đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo các lĩnh vực tương ứng với tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong Chỉ số cải cách hành chính của từng cấp (Phụ lục 1,2,3 và các tài liệu kiểm chứng kèm theo).
    - Điểm điều tra xã hội học: Đánh giá thông qua điều tra xã hội học do Sở Nội vụ chủ trì thực hiện đánh giá đối với các sở, ban ngành và UBND cấp huyện; Phòng Nội vụ cấp huyện chủ trì thực hiện đánh giá đối với UBND cấp xã theo các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá qua điều tra xã hội học được thể hiện tại Phụ lục 1,2,3 và các bảng tổng hợp kết quả điều tra xã hội học kèm theo.
    Trong quá trình thực hiện chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong việc điều tra xã hội học thay thế phiếu điều tra bằng phương pháp thủ công.
    - Phương pháp tính:
      + Tổng điểm đánh giá (100 điểm): “Tổng điểm đánh giá” là tổng của “Tổng điểm tự đánh giá” và “Tổng điểm điều tra xã hội học”.
      + Chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính là tỉ lệ % giữa “Tổng điểm đánh giá” đạt được với “Tổng điểm tối đa”.
    - Công bố chỉ số cải cách hành chính:
      + Chỉ số cải cách hành chính của sở, ban ngành và UBND cấp huyện hàng năm do Chủ tịch UBND tỉnh công bố sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định cấp tỉnh trên cơ sở tổng hợp điểm đánh giá chung toàn tỉnh do Sở Nội vụ chủ trì, thực hiện và các tài liệu kiểm chứng kèm theo.
      + Chỉ số cải cách hành chính của UBND cấp xã hàng năm do Chủ tịch UBND cấp huyện công bố sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định cấp huyện trên cơ sở tổng hợp điểm đánh giá chung toàn huyện do Phòng Nội vụ chủ trì, thực hiện và các tài liệu kiểm chứng kèm theo.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước đối với việc xác định Chỉ số cải cách hành chính
    - Chỉ đạo việc thực hiện các nội dung cải cách hành chính một cách nghiêm túc, có hiệu quả trên cơ sở kế hoạch cải cách hành chính hàng năm;
    - Chỉ đạo việc thực hiện công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính một cách thường xuyên, liên tục, bảo đảm trung thực, khách quan trong việc tổng hợp, thống kê, đánh giá, báo cáo kết quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về Chỉ số cải cách hành chính
    - Việc tuyên truyền, phổ biến mục tiêu, nội dung của Chỉ số cải cách hành chính nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và tăng cường sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quá trình theo dõi, đánh giá kết quả triển khai cải cách hành chính hàng năm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Các hình thức tuyên truyền là:
    - Tổ chức hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung và trách nhiệm triển khai Chỉ số cải cách hành chính;
    - Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho người dân và xã hội về mục tiêu, ý nghĩa của Chỉ số cải cách hành chính;
    - Các hình thức tuyên truyền khác: Thông qua hội thảo; hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính hàng năm.
3. Bố trí công chức đảm nhiệm công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị hành chính
    - Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện: Phân công công chức chuyên trách để đảm nhiệm công tác cải cách hành chính theo hướng ổn định việc theo dõi, đánh giá cải cách hành chính hàng năm và giai đoạn. Công chức chuyên trách chịu trách nhiệm tham mưu, giúp Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện việc xây dựng, ban hành kế hoạch hàng năm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tổng hợp, đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền, đề xuất để việc triển khai cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị đạt hiệu quả.
    - UBND cấp xã: Phân công công chức kiêm nhiệm đảm nhiệm công tác cải cách hành chính nhằm xây dựng, ban hành kế hoạch hàng năm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tổng hợp, đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền, đề xuất để việc triển khai cải cách hành chính của đơn vị đạt hiệu quả.
4. Bảo đảm cơ sở vật chất, tài chính cho việc thực hiện cải cách hành chính và thực hiện Chỉ số cải cách hành chính
    - Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là công nghệ thông tin trong triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính để bảo đảm tính hệ thống trong công tác theo dõi, đánh giá của các cơ quan hành chính.
    - Xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu của Chỉ số cải cách hành chính.
    - UBND các cấp, các sở, ban, ngành cần bố trí thoả đáng các nguồn kinh phí cho việc thực hiện cải cách hành chính và việc xác định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
    1. Trách nhiệm thực hiện
    - Sở Nội vụ: Xây dựng trình UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã triển khai công việc xác định Chỉ số cải cách hành chính trong phạm vi trách nhiệm được giao;
    Hàng năm xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí cải cách hành chính để có kinh phí cho việc triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính; Chủ trì tổ chức thực hiện sau khi kế hoạch được phê duyệt;
    Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng cho công chức chuyên trách cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã về công tác theo dõi, đánh giá và xác định Chỉ số cải cách hành chính;
    Xây dựng bộ câu hỏi điều tra xã hội học, xác định nhóm đối tượng được lấy ý kiến và chủ trì tổ chức điều tra xã hội học;
    Trình UBND tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Chỉ số cải cách hành chính hàng năm của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; Giúp UBND tỉnh tổng hợp, công bố Chỉ số cải cách hành chính, đề xuất, xem xét, điều chỉnh Chỉ số và các nội dung liên quan khi cần thiết.
    - Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã: Tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ số cải cách hành chính được phê duyệt trong đội ngũ CBCC của cơ quan, đơn vị, để tổ chức theo dõi, đánh giá cải cách hành chính hàng năm theo chỉ đạo chung của tỉnh;
 Chủ động bố trí nguồn lực, kinh phí đảm bảo thực hiện công tác cải cách hành chính nói chung và xác định Chỉ số cải cách hành chính. Chỉ đạo việc thực hiện các nội dung cải cách hành chính tương ứng theo Chỉ số cải cách hành chính một cách nghiêm túc, có hiệu quả với kế hoạch cải cách hành chính hàng năm;
 Chỉ đạo việc thực hiện công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính bảo đảm thường xuyên, liên tục, trung thực, khách quan trong việc tổng hợp, thống kê, đánh giá, báo cáo các kết quả cải cách hành chính; Phối hợp với Sở Nội vụ trong việc tổ chức điều tra xã hội học để xác định Chỉ số cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị.
    - Các Sở, ngành: Văn phòng UBND tỉnh, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư với vai trò chủ trì, tham mưu các kế hoạch chuyên ngành trong Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm có trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ trong quá trình triển khai, thực hiện, thẩm định đánh giá Chỉ số cải cách hành chính đối với tất cả các cơ quan, đơn vị.
    - Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thẩm định dự toán kinh phí thực hiện công tác cải cách hành chính nói chung và triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
    - Các cơ quan: Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Website của các cơ quan, đơn vị cần tăng cường đưa tin, thời lượng phát sóng, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giới thiệu để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về cải cách hành chính và Chỉ số cải cách hành chính góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội của địa phương.
2. Tiến độ thực hiện
    - UBND cấp huyện tiến hành thành lập Hội đồng thẩm định để tổ chức, thẩm định, chỉ đạo điều tra xã hội học, tổng hợp kết quả, duyệt và công bố Chỉ số cải cách hành chính đối với cấp xã chậm nhất trước ngày 20/01 hàng năm.
    - Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện hoàn thành việc tự chấm điểm, tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo xác định Chỉ số cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị báo cáo UBND tỉnh qua Sở Nội vụ trước ngày 30/01 hàng năm.
    - Sở Nội vụ tổ chức điều tra xã hội học, tham mưu UBND tỉnh thành lập hội đồng thẩm định, tiến hành thẩm định công bố Chỉ số cải cách hành chính các sở, ban, ngành, cấp huyện vào tháng 3 hàng năm.
    - Riêng năm 2014, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thực hiện việc tự chấm điểm xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2013 của cơ quan, đơn vị trước ngày 30/5/2014; cấp xã trước ngày 25/4/2014. UBND tỉnh Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2013 vào tháng 6/2014.
3. Kinh phí thực hiện
    - Kinh phí triển khai xác định chỉ số cải cách hành chính được đảm bảo bằng ngân sách của nhà nước.
    - Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cho triển khai xác định chỉ số cải cách hành chính theo quy định và hướng dẫn của Sở Tài chính.
 

 Quyết định 3229

 Phụ lục đính kèm

Phòng Cải cách hành chính

Các tin khác