Kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên năm 2013

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Thực hiện chức năng, nhiệm vụ Quản lý nhà nước về Thanh niên, Sở Nội vụ đã Tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2013 đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể như sau:

 1. Kết quả tổ chức triển khai, thực hiện Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 trong năm 2013

    Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1562/QĐ-UBND ngày 9 tháng 7 năm 2012 về Chương trình Phát triển thanh niên tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2020; thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; đảm bảo ngân sách để Ban Chỉ đạo thực hiện công tác chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các kế hoạch, đề án thực hiện Chương trình Phát triển thanh niên của các địa phương, cơ quan, đơn vị. 
    Để triển khai thực hiện Chương trình PTTN, ngày 28/02/2013, Sở Nội vụ đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-BCĐCTPTTN về thực hiện Chương trình PTTN năm 2013 và Kế hoạch số 34/KH-BCĐCTPTTN về thực hiện Chương trình PTTN đến năm 2015.
    Căn cứ Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Chương trình PTTN, 23/27 sở, ban, ngành liên quan; 7/7 huyện, thành phố đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình PTTN năm 2013 và Kế hoạch đến năm 2015. Một số nội dung đã được các đơn vị xây dựng, triển khai hoặc lồng ghép triển khai có hiệu quả trong năm 2013, tiêu biểu như:
    - Sở Nội vụ triển khai thực hiện Chính sách hợp đồng lao động đối với con em Quảng Bình là sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm; Chính sách thu hút nhân tài về công tác tại tỉnh; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, công chức trong độ tuổi thanh niên; triển khai khảo sát tình hình thanh niên trên địa bàn tỉnh làm cơ sở xây dựng dữ liệu về thanh niên; khảo sát nhu cầu sử dụng trí thức trẻ tăng cường cho các xã nghèo để thực hiện Đề án 500 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2013, đã hợp đồng lao động cho 279 thanh niên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm; thu hút thêm 10 thanh niên đạt tiêu chuẩn theo chính sách thu hút nhân tài về công tác tại tỉnh, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho 49 trí thức trẻ làm công tác chuyên môn và 11 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch UBND xã tại huyện miền núi; quy hoạch đào tạo 23 tiến sĩ, 170 thạc sĩ trong nước; 05 người đi đào tạo ở nước ngoài (trong đó 2 người đào tạo Tiến sỹ, 3 người đào tạo Thạc sỹ).
    - Sở Lao động - Thương binh và Xã Hội triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, trong đó ưu tiên lao động là thanh niên nông thôn chưa có việc làm, tuyên truyền về chính sách dạy nghề, việc làm cho thanh niên; phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm” và “Đoàn TN tham gia xây dựng nông thôn mới...”. Dạy nghề cho 14.853 lượt thanh niên (trong đó thanh niên nông thôn 2.949 người); tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm 20.620 người, trong đó thanh niên được giải quyết việc làm là 15.200 người (chiếm 73,7%). Kinh phí đầu tư thực hiện cho các hoạt động dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm là 1.840.000 đồng; hỗ trợ 4.500 lượt thanh niên được vay vốn sản xuất kinh doanh cải thiện cuộc sống, thoát nghèo với số vốn vay hơn 100 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. 
    - Sở Khoa học và Công nghệ ưu tiên thực hiện các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công việc và cuộc sống, đặc biệt là các mô hình do đoàn viên thanh niên chủ trì thực hiện đạt chất lượng cao, có 01 đoàn viên làm chủ nhiệm Dự án sản xuất thử nghiệm cấp tỉnh, 01 đoàn viên đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình năm 2013.
    - UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với Trung tâm chính trị tổ chức bồi dưỡng QLNN chương trình chuyên viên; tập huấn nghiệp vụ QLNN về công tác thanh niên cho 398 học viên là lãnh đạo UBND và đội ngũ cán bộ công chức trẻ, cán bộ lãnh đạo và công chức phụ trách công tác thanh niên; tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung của Chương trình Phát triển thanh niên trên các phương tiện thông tin đại chúng; khảo sát thống kê số liệu làm cơ sở để xây dựng dữ liệu về thanh niên.
    - Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên” năm 2013; tăng cường tuyên truyền về kỹ năng sống, ý thức công dân, kiến thức pháp luật cho thanh niên, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên phát triển toàn diện; thành lập 7 Câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật” tại các huyện, thành đoàn; lồng ghép với các Chương trình, Đề án khác về PBGDPL để tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông”; 02 chuyên mục Pháp luật và Đời sống; phát hành 235.000 tờ gấp tìm hiểu pháp luật; 6.100 cuốn Bản tin Tư pháp để lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho thanh niên. 
    - Đài PT-TH Quảng Bình xây dựng chương trình tăng thời lượng phát sóng tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên, gương thanh niên điển hình tiên tiến và các mô hình làm kinh tế giỏi...
    Nhìn chung, việc tổ chức thực hiện Chiến lược và Chương trình PTTN năm 2013 đã đạt được kết quả tích cực, huy động được nguồn lực và cả hệ thống chính trị cùng quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về thanh niên và công tác thanh niên, bước đầu đã xác định mục tiêu, nội dung và các chỉ tiêu làm căn cứ, cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình. 
    Ban Chỉ đạo Chương trình PTTN đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường sự phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời giao cho Sở Nội vụ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về quản lý Nhà nước về thanh niên, đảm bảo bố trí nhân lực, kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch phát triển thanh niên trên địa bàn tỉnh.
    2. Công tác tổ chức tổng kết đánh giá kết quả triển khai, thực hiện Luật Thanh niên năm 2005, Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2005; kết quả việc rà soát, hệ thống hoá các chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên tại địa phương.
    Trên cơ sở tổng hợp tình hình hoạt động của UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND tỉnh Quảng Bình đã xây dựng báo cáo số 276/BC-UBND ngày 04/12/2012 đánh giá kết quả 07 năm triển khai, thực hiện Luật Thanh niên năm 2005 và Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2005 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 199/VPCP-PL ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ. 
    Trong năm 2013, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan thuộc tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện Quyết định 3330/QĐ-UBND ngày 19/11/2009 của UBND tỉnh về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP của Chính phủ về công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
    3. Về tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên
    Thực hiện Thông tư 04/2011/TT-BNV ngày 10/2/2011 của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND ngày 17/6/2011 về việc bổ sung nhiệm vụ, tổ chức và biên chế của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình về công tác thanh niên. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ đã thành lập Phòng Công tác thanh niên với 03 công chức phụ trách, trong đó gồm 01 Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng và 01 chuyên viên.
    Ở cấp huyện đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ QLNN về công tác thanh niên và 01 biên chế phụ trách công tác thanh niên tại các phòng Nội vụ; các sở, ban, ngành phân công công chức thực hiện nhiệm vụ làm đầu mối tham mưu cho lãnh đạo về công tác thanh niên; 159/159 xã, phường, thị trấn bổ sung chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên đối với chức danh Văn phòng - Thống kê theo Thông tư số 06/2012/TT-BNV ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ Nội vụ.
    4. Kết quả tập huấn nghiệp vụ Quản lý Nhà nước về Thanh niên năm 2013
    UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-UBND về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức năm 2013, trong đó có nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ QLNN về thanh niên. Căn cứ Quyết định của UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã tổ chức 03 lớp tập huấn nghiệp vụ QLNN về thanh niên cho 398 học viên là lãnh đạo UBND và Bí thư Đoàn thanh niên cấp xã; 01 lớp dành cho đối tượng là cán bộ làm công tác tham mưu về công tác thanh niên tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. 
    Sở Nội vụ cũng đã cử lãnh đạo và cán bộ công chức tham gia đầy đủ các đợt tập huấn nghiệp vụ do Bộ Nội vụ tổ chức tại Huế, Bình Định và Hà Nội.
    5. Công tác triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến
    UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 827/KH-UBND về thực hiện Quyết định số 40/QĐ-TTg của Chính phủ về giải quyết chế độ trợ cấp cho TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu TNXP khẩn trương triển khai thực hiện; kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh để việc chi trả đảm bảo đúng đối tượng và thời gian quy định.
    Hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định xét hưởng trợ cấp cho 866 TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, trong đó TNXP xét hưởng chế độ hàng tháng là 19 người. Đến cuối năm 2013, Sở Nội vụ tiếp tục phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Cựu TNXP tỉnh tổ chức xét duyệt 849 hồ sơ cho TNXP trình UBND tỉnh phê duyệt.
    6. Kết quả công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên của các địa phương
    Để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở và có những giải pháp thực hiện hiệu quả, Bộ Nội vụ đã tổ chức 02 lần kiểm tra công tác QLNN về thanh niên; việc triển khai thực  hiện Dự án 600 PCT xã tại huyện Minh Hóa và việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đoàn công tác đã đánh giá cao việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về thanh niên trên địa bàn tỉnh.
    Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ thường xuyên hướng dẫn chỉ đạo, theo dõi và tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ QLNN về công tác thanh niên tại các địa phương, đơn vị.
    7. Công tác thực hiện Dự án 600 Phó Chủ tịch xã
    UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ chủ trì, tham mưu các văn bản chỉ đạo; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức triển khai Dự án. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ đã tích cực hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị địa phương trong việc triển khai Dự án và quản lý đội viên.
    Chế độ, chính sách cho đội viên Dự án cũng đã được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện theo quy định tại Thông tư số 171/TT-BTC ngày 25 tháng 11 năm 2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Dự án. Hiện nay, UBND huyện đã triển khai và chỉ đạo các xã thực hiện chế độ lương và các khoản phụ cấp cho đội viên Dự án. 
    Các đội viên Dự án đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện; đặc biệt Đảng ủy, HĐND-UBND, UBMTTQ các xã nơi đội viên đến công tác đã tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất để đội viên sớm ổn định sinh hoạt và công tác; bố trí những cán bộ có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn trong công việc, cách thức triển khai công việc và xử lý công văn của cấp trên. 
    Theo định kỳ 03 tháng, 06 tháng, Sở Nội vụ phối hợp với UBND huyện Minh Hóa tiến hành kiểm tra; tổ chức hội nghị giao ban thường kỳ. Ngoài ra, các đội viên thường xuyên báo cáo, trao đổi thông tin hàng tháng, hàng tuần qua điện thoại hoặc hộp thư điện tử (quangbinh600pct4@gmail.com). 
    UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ tổ chức sơ kết giai đoạn I của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã, kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích cao trong việc thực hiện giai đoạn I Dự án. 
    8. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:
    * Tồn tại, hạn chế:
    - Việc xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình PTTN của các đơn vị còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Kế hoạch triển khai của một số đơn vị còn mang tính đối phó, chưa được xây dựng trên cơ sở thực tiễn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mà chỉ ở phạm vi nhiệm vụ của chi đoàn cơ quan. Các nội dung, giải pháp đặt ra để thực hiện kế hoạch còn chung chung, chưa sát với thực tế nên hiệu quả chưa cao. 
    - Một số đơn vị chưa chủ động xây dựng hoặc xây dựng lồng ghép các nội dung, chỉ tiêu trong Chương trình phát triển thanh niên thuộc lĩnh vực của ngành, đơn vị vào trong chương trình, mục tiêu, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.
    - Công tác giải quyết việc làm cho thanh niên mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của thanh niên nên tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn còn nhiều.
    - Chế độ thông tin báo cáo không được thực hiện đúng thời gian quy định. Báo cáo của của một số đơn vị chưa thể hiện được kết quả thực tế, không có số liệu cụ thể còn mang tính chung chung, lý thuyết.
    * Nguyên nhân:
    - Công tác tuyên truyền về Chương trình Phát triển thanh niên trong cán bộ công chức, đoàn viên thanh niên và nhân dân còn hạn chế nên sự quan tâm của toàn xã hội đến thanh niên và công tác thanh niên chưa cao
    - Công tác phối hợp giữa các ngành liên quan chưa chặt chẽ và thường xuyên nên việc triển khai Chương trình phát triển thanh niên chưa đồng bộ và thiếu sự thống nhất.
    - Từ Trung ương đến địa phương chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về thanh niên nên khó khăn trong việc quản lý và đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền xây dựng chính sách phù hợp cho thanh niên.
    - Hầu hết công chức phụ trách công tác thanh niên tại các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đều phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau. Do đó, việc tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách cho thanh niên chưa được quan tâm đúng mức, chưa đi vào chiều sâu và chất lượng chưa cao.
    - Nhận thức một số cấp ủy, chính quyền chưa đầy đủ về công tác quản lý nhà nước về thanh niên; lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành, địa phương chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên với chức năng nhiệm vụ của tổ chức Đoàn thanh niên nên việc quản lý nhà nước về thanh niên triển khai còn chồng chéo.
Phòng CTTN

Các tin khác