Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại tỉnh Quảng Bình

Xem với cỡ chữ : A- A A+

    Sáng ngày 29/6, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ dẫn đầu Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã có buổi làm việc và kiểm tra công tác cải cách hành chính tại tỉnh Quảng Bình.

 

 

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại Buổi làm việc

 

    Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ; các đồng chí đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ.

 

    Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Phòng Nội vụ cấp huyện; công chức chuyên trách về cải cách hành chính thuộc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình.

 

 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài phát biểu tại Buổi làm việc

 

    Báo cáo tình hình triển khai và kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 của tỉnh Quảng Bình, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình Trần Đình Dinh cho biết, công tác CCHC của tỉnh Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả trên các mặt công tác như: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính.

 

 

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình Trần Đình Dinh trình bày Báo cáo tại Buổi làm việc

 

    Kết quả điển hình trên một số mặt công tác đó là: hàng năm, UBND tỉnh đều xây dựng Kế hoạch và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện CCHC tại tỉnh. UBND tỉnh đã phân công Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác CCHC của tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương giao trách nhiệm cho người đứng đầu trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác CCHC; quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong thực hiện CCHC.

 

    Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, HĐND và UBND các cấp của tỉnh Quảng Bình đã ban hành 1035 văn bản quy phạm pháp luật; tự rà soát, kiểm tra 54 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh và 165 văn bản cấp huyện; công bố hết hiệu lực đối với 97 văn bản, quyết định công bố hết hiệu lực toàn bộ và hết hiệu lực một phần đối với 139 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản cá biệt có chứa quy phạm.

 

    UBND tỉnh đã ban hành 117 Quyết định công bố 1476 TTHC, cập nhật kịp thời trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. 100% cơ quan trực tiếp giải quyết TTHC đã niêm yết công khai dưới hai hình thức là Bản niêm yết và Sổ hướng dẫn TTHC…

 

    100% các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp xã trở lên được trang bị máy tính, kết nối internet tốc độ cao; trên 95% cán bộ, công chức được cấp địa chỉ thư điện tử công vụ. Cổng thông tin điện tử của tỉnh tích hợp liên thông với 35 trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, đồng thời đã cung cấp 2.402 dịch vụ công trực tuyến, cung cấp đầy đủ biểu mẫu cho người dân…

 

    100% các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng phải áp dụng trên địa bàn đã triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2008.

 

    Trên cơ sở báo cáo của UBND tỉnh, các thành viên Đoàn công tác đã có những nhận xét, góp ý để công tác CCHC của tỉnh Quảng Bình đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới.

 

    Đại diện Văn phòng Chính phủ đánh giá cao tình hình giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông của tỉnh. Qua theo dõi việc kiểm tra, rà soát cho thấy, tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái quy định đã giảm rất nhiều. Đề nghị UBND tỉnh bổ sung việc hàng quý UBND tỉnh tổ chức đối thoại và tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn.

 

    Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông hoan nghênh kết quả ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh, việc cung cấp các thông tin trên cổng/ trang tin điện tử nhanh chóng, kịp thời, tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, việc xử lý hồ sơ trực tuyến chưa được làm rõ; chỉ tiêu trong ứng dụng công nghệ thông tin chưa đạt kết quả cao theo kế hoạch đề ra; chưa xây dựng kiến trúc điện tử của tỉnh. Cần bổ sung các thông tin về thống kê và cung cấp trên mạng; cần có sự chia sẻ thông tin giữa các cổng/ trang thông tin điện tử. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, đầu tư nguồn lực đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong điều kiện hiện nay.

 

    Theo đại diện Bộ Tư pháp, vẫn còn nhiều văn bản được ban hành có tính khả thi chưa cao trong thực tiễn. Về công tác pháp chế, hiện tại chỉ có Sở Tài nguyên và Môi trường có Phòng Pháp chế, các sở, ngành khác cán bộ pháp chế làm công tác kiêm nhiệm, đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm hơn trong công tác pháp chế, giúp giảm thiểu tối đa việc ban hành văn bản không đúng quy định.

 

    Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung xây dựng đề án vị trí việc làm; nhanh chóng xây dựng và phê duyệt đề án sắp xếp, kiện toàn quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập. Việc xây dựng các tiêu chí cải cách hành chính đến cấp xã cần nghiên cứu tính thống nhất, đồng bộ các tiêu chí để có thể áp dụng rộng rãi.

 

 

Toàn cảnh Buổi làm việc

 

    Kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Trưởng đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao kết quả cải cách hành chính của tỉnh Quảng Bình, đặc biệt đánh giá cao vai trò của UBND tỉnh và cá nhân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác CCHC.

 

    Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình cần chú trọng hơn trong công tác chỉ đạo, kiểm tra cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc trong quy trình, thủ tục, tạo môi trường thông thoáng giúp doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Xây dựng hệ thống đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Đảm bảo quy trình, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp và công dân; hạn chế tối đa việc xử lý hồ sơ trễ hạn. Trong trường hợp thời gian giải quyết bị kéo dài so với quy định, các cơ quan, đơn vị cần thông báo công khai, kịp thời cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi thư xin lỗi tổ chức, doanh nghiệp, công dân khi các thủ tục, hồ sơ đến ngày hẹn trả mà chưa có kết quả. Những việc gì tổ chức ngoài nhà nước làm được thì nên để tổ chức làm, giúp tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo tăng cường cung cấp và giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phù hợp với điều kiện, khả năng của tỉnh; áp dụng gửi giấy mời và văn bản họp qua hòm thư công vụ. Công tác kiểm tra CCHC cần phải sâu sát hơn, kỹ càng hơn, thường xuyên hơn bao trùm tất cả các lĩnh vực, trường hợp kiểm tra phát hiện những hạn chế, thiếu xót trên diện rộng, cần phải ban hành văn bản để điều chỉnh cho phù hợp.

 

    Thứ trưởng cũng đề nghị Sở Nội vụ xây dựng báo cáo, trình Chủ tịch UBND tỉnh về những tồn tại còn hạn chế, chỉ rõ những quy định, những thủ tục còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; đề xuất các sở, ngành tìm nguyên nhân và các giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất./.

 

(Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ)

Các tin khác