Kết quả sau 9 năm tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh ta

Font size : A- A A+
 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 02 tôn giáo chính được công nhận và hoạt động là đạo Công giáo và Phật giáo. Trong đó: đạo Công giáo có 21.304 hộ với 101.070 khẩu, chiếm trên 11% dân số toàn tỉnh, phân bổ trên 69 đơn vị hành chính cấp xã và 05 đơn vị hành chính cấp huyện; có 2 giáo hạt, 32 giáo xứ, 94 giáo họ, 88 cơ sở thờ tự (87 nhà thờ và 01 Tu viện Mến thánh giá Hướng Phương), 36 chức sắc (34 linh mục và 02 Trưởng, Phó Tu viện); Phật giáo có khoảng trên 3.100 tín đồ phật tử, chiếm trên 0,3% dân số toàn tỉnh, phân bố trên địa bàn 29 xã của 6 huyện, thành phố; có 21 chức sắc (trong đó có 06 nhà tu hành), có 08 cơ sở thờ tự phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo; tín đồ phật tử phần lớn sinh hoạt tại gia đình.

 

Qua 9 năm tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn đã đạt được những kết quả cơ bản như sau:
      1. Đối với công tác quán triệt Pháp lệnh đến các đối tượng có liên quan.
      Sau khi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 18/6/2004, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 16/2005/QĐ-UB về Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và các huyện, thành phố đã tích cực tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức các hội nghị phổ biến, quán triệt Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ lãnh đạo, cốt cán của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện.
 
      Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo tỉnh tích cực phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các đối tượng có liên quan; phối hợp với UBMTTQVN tỉnh trong việc tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; để tuyên truyền, vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ, người có tín ngưỡng, các tổ chức tôn giáo và nhân dân thực hiện tốt pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo; phối hợp với các cơ quan: Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình để thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với Sở Tư pháp để tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho các chức sắc Công giáo theo Kế hoạch hằng năm của cơ quan và của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
 
      Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 70 cuộc phổ biến, quán triệt Pháp lệnh, Nghị định và một số văn bản pháp luật liên quan đến tôn giáo với hơn 76 ngàn lượt người tham dự. Đối tượng được tuyên truyền, phổ biến, gồm: cán bộ chủ chốt cấp tỉnh; cấp huyện; Bí thư, chủ tịch UBND, chủ tịch UBMTTQVN, cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách nơi có đồng bào theo đạo của các xã, phường, thị trấn; các chức sắc, chức việc; các cá nhân và tổ chức tôn giáo có liên quan.
     2. Đối với công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành để triển khai áp dụng, thực hiện Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn.
 
     Trên cơ sở Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ (nay là Nghị định số 92/2012/NĐ-CP), để các văn bản này sớm đi vào cuộc sống và áp dụng thực tiễn
trong quá trình quản lý tình hình sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều văn bản như: Chỉ thị số 05/2007/CT-UBND ngày 24/8/2007 về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo; Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 21/8/2008 về phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình kiến trúc tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (hiện nay đã được thay thế bằng Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 09/5/2013 về việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo; công trình phụ trợ của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình); Quyết định số 2209/QĐ-UBND ngày 20/8/2009 công bố bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực tôn giáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; Quyết định số 3030/QĐ-UBND ngày 15/11/2011 công bố bộ thủ tục hành chính chung về lĩnh vực tôn giáo áp dụng tại cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành khác.
 
      Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Tôn giáo tỉnh ban hành một số văn bản hướng dẫn nhằm đảm bảo việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác tôn giáo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn. Do đó, cùng với các chủ trương, chính sách của Trung ương, việc cụ thể hóa các chính sách tại địa phương thông qua việc ban hành các văn bản quản lý điều hành đã góp phần tích cực vào công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
      3. Công tác quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
 
      3.1. Quản lý các hoạt động tín ngưỡng:      Cùng với chính sách tự do tín ngưỡng, những năm gần đây, các hoạt động tín ngưỡng trở nên phong phú, đa dạng, nhiều lễ hội, tín ngưỡng dân gian được tổ chức tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hút nhiều người tham gia, như: lễ hội cướp cù truyền thống ở làng Tượng Sơn, lễ hội Rằm tháng sáu ở Pháp Kệ (huyện Quảng Trạch), lễ hội tưởng niệm thần Thành hoàng làng và các bậc khai canh, khai cư (huyện Lệ Thủy), lễ hội Rằm tháng ba truyền thống (huyện Minh Hóa) .v.v.
      Bên cạnh đó, thời gian qua, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện tổ chức tôn tạo lại một số công trình tín ngưỡng phục vụ nhu cầu tâm linh của cộng đồng dân cư như: trùng tu tôn tạo lại đền Công Chúa Liễu Hạnh (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch), đưa Lễ hội đền Công Chúa Liễu Hạnh tổ chức sinh hoạt vào Rằm tháng ba hằng năm. Một số đình làng có nhu cầu xin xây dựng lại được UBND tỉnh xem xét, quyết định cho tái tạo lại để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân (như Đình làng Phan Long, thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch…). Song song với các hoạt động trên, chính quyền các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tham gia cùng cộng đồng trong việc quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội ở địa phương, đồng thời kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa việc lợi dụng tổ chức các hoạt động tín ngưỡng để trục lợi cá nhân, hoạt động mê tín dị đoan, hiện tượng “mua thần bán thánh”, truyền đạo trái phép….nhằm đảm bảo cho người dân có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, văn minh.
 
      3.2. Quản lý hoạt động tôn giáo.
      - Quản lý các sinh hoạt thuần túy tôn giáo: Trong thời gian qua, cùng với các hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn cả nước, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động tôn giáo với quy mô lớn; trong sinh hoạt tôn giáo nhiều nơi còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
      Nhận thức được tình hình nói trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương các huyện, thành phố để tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh có chủ trương, giải pháp trong quản lý sinh hoạt tôn giáo đảm bảo đúng quy định của pháp luật; các ngày lễ trọng của giáo hội Công giáo, Phật giáo hàng năm như: lễ Phục sinh, Noel, Phật đản….; vấn đề Đại hội Phật giáo tỉnh được tạo điều kiện tổ chức theo hướng trang trọng, an toàn, tiết kiệm và thuần túy tôn giáo. Đặc biệt, sau những vụ việc tôn giáo có tính chất điểm nóng, nhạy cảm, phức tạp…., UBND tỉnh đã chỉ đạo kịp thời nhằm có những đối sách đúng đắn để tuyên truyền, vận động chức sắc và giáo dân ổn định tình hình, do đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong những thời điểm nhạy cảm được giữ vững, tạo được sự tin tưởng trong quần chúng nhân dân và tín đồ. Công tác giải quyết các vấn đề đột xuất, ngoài chương trình đăng ký, như: Lễ cầu siêu, Lễ cung nghinh Ngọc Xá Lợi Phật (Phật giáo), rước kiệu ngoài khuôn viên cơ sở thờ tự (Công giáo), công tác quản lý, hướng dẫn các cuộc lễ, lễ nghi và các hoạt động khác được kịp thời, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các tôn giáo….
 
       - Quản lý các tổ chức tôn giáo: Trước khi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, đạo Công giáo có 26 giáo xứ, 74 giáo họ; về đạo Phật giáo chưa có tổ chức, bà con mộ đạo chủ yếu tu tại gia. Từ khi có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, trên cơ sở đề xuất của tổ chức tôn giáo, UBND tỉnh đã xem xét, chấp thuận thành lập 06 giáo xứ, 20 giáo họ; nâng tổng số tổ chức đạo Công giáo lên 32 giáo xứ, 94 giáo họ. Về Phật giáo: năm 2009, chấp thuận cho thành lập 01 Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo (nay là Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh).
      - Quản lý các chức sắc tôn giáo: Việc xem xét, bố trí thuyên chuyển các chức sắc tôn giáo về mục vụ trên địa bàn được thực hiện theo đề xuất của giáo hội và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Theo đó, trước khi có Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh có 22 linh mục, chưa có chức sắc Phật giáo; đến nay đã có 36 chức sắc Công giáo, 21 chức sắc Phật giáo (trong đó có 6 nhà tu hành)…Phần lớn các chức sắc có thái độ cỡi mở, hoà nhã và hợp tác khá tốt với các cấp, các ngành trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến tôn giáo. Các vụ việc phát sinh, phức tạp liên quan đến các chức sắc  tôn giáo đều được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan đấu tranh, giải quyết kịp thời, do đó đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…v.v.
 
      - Quản lý đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự: Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 96 cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất (trong đó: có 85/88 nhà thờ Công giáo và 02 nhà chùa Phật giáo đã được cấp giấy CNQSD đất). Việc cấp đất cho các tổ chức tôn giáo chưa có nơi sinh hoạt như giáo xứ Tam Tòa (thành phố Đồng Hới); giáo họ Trung Quán (huyện Quảng Ninh) và các tổ chức khác được đôn đốc, giải quyết .v.v.
     Bên cạnh đó, chính quyền các cấp làm tốt công tác quản lý, hướng dẫn cho các tổ chức tôn giáo xây dựng các công trình tôn giáo đảm bảo các quy định của pháp luật, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của chức sắc, bà con tín đồ. Từ khi có Pháp lệnh đến nay, đạo Công giáo xây dựng thêm mới 11 nhà thờ xứ và 30 nhà thờ họ, đưa tổng số cơ sở thờ tự lên đến 88, trong đó: nhà thờ xứ 31, nhà thờ họ 56, tu viện 01. Cũng trong thời gian này, nhiều hạng mục công trình phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo của các tổ chức tôn giáo như: Nhà phòng, nhà ăn, nhà dạy giáo lý ...v.v. được chính quyền địa phương các cấp quan tâm cho phép trùng tu, cải tạo hoặc xây dựng mới (hiện nay trên địa bàn tỉnh có 33 nhà dạy giáo lý, trong đó giáo xứ 21, giáo họ 12). Đạo Phật giáo có 08 cơ sở thờ tự phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, có 01 Văn phòng Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo (đặt tại chùa Đại Giác) đang được đầu tư xây dựng. Hiện nay, tại một số địa phương, bà con phật tử đang có nguyện vọng trình các cấp chính quyền xem xét xin khôi phục, xây dựng mới một số cơ sở thờ tự tại địa phương, vấn đề này đang được các cấp, các ngành từng bước xem xét giải quyết theo đúng quy định .v.v.
 
      Có thể nói rằng: Qua 9 năm thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn như: một số quy định trong Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo còn mang tính chung chung, chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời; nhiều vấn đề, nội dung mới phát sinh đòi hỏi phải có văn bản điều chỉnh nhưng lại chưa được ban hành; công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện Pháp lệnh tại một số ngành, địa phương; trong quần chúng nhân dân và chức sắc, tín đồ có lúc chưa thường xuyên; sự phối kết hợp của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị nói chung và trong bộ máy quản lý nhà nước nói riêng đối với công tác tôn giáo tuy có triển khai nhưng một số nơi vẫn chưa đồng bộ, thiếu thường xuyên; việc xem xét giải quyết nhu cầu của quần chúng tín đồ, chức sắc tôn giáo đôi khi còn lúng túng .v.v.
 
      Tuy nhiên, dưới sự quan tâm lãnh chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự tham mưu kịp thời, có hiệu quả của đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở; 9 năm qua, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã thực sự đi vào cuộc sống, được đa số đồng bào tín đồ, chức sắc và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đồng thuận cao; nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo được nâng lên một bước. Các cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có sự quan tâm, đầu tư đối với công tác tôn giáo, tạo điều kiện đảm bảo bộ máy làm công tác tôn giáo ngày càng tăng lên về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác tôn giáo ngày càng có chiều sâu và hiệu quả hơn, phát huy được tinh thần trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo; các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thuần tuý của quần chúng tín đồ, nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết thoả đáng theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, góp phần tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tôn giáo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.
 
Một số hình ảnh kèm theo.

Quảng Bình Tổng kết 8 năm triển khai thực hiện

Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo

Cá nhân tiêu biểu trong việc triển khai thực hiện

Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh 

 

Bài và ảnh: DH

 

 

 

More