Sự quan tâm của lãnh đạo địa phương - yếu tố giúp đội viên Dự án 600 thành công

Font size : A- A A+
 Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương, sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo là một trong những yếu tố quan trọng giúp đội viên hoàn thành nhiệm vụ. Sự quan tâm không chỉ dừng lại ở những lời động viên, sự thương cảm, tạo điều kiện về CSVC mà còn là sự tin tưởng giao nhiệm vụ, gợi mở cho đội viên chủ động giải quyết cùng với sự giám sát, hướng dẫn của những người có nhiều kinh nghiệm.

 
Cũng như các đội viên khác tại Quảng Bình, đội viên Đinh Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Quy Hóa, huyện Minh Hóa đã có được sự quan tâm nói trên từ lãnh đạo xã và huyện. Tuy được phân công phụ trách lĩnh vực Văn hóa – Xã hội nhưng anh vẫn được UBND xã tin tưởng giao phụ trách một số mô hình kinh tế thí điểm tại hộ gia đình.

      Một chiều cuối tuần, tôi gọi điện hẹn gặp thì anh cho biết đang đi thăm mô hình kinh tế hộ gia đình. Theo địa chỉ anh hướng dẫn, tôi đến gặp anh ngay tại… đập chứa nước Khe Sụ,  thôn 3 Thanh Long, xã Quy Hóa. Đập nước này của xã dùng để chứa nước tưới tiêu cho đồng ruộng, dưới đập nước thấp thoáng có mấy lồng bè nuôi cá của dân. Gặp tôi, anh vui vẻ vào chuyện ngay. Đây là mô hình được UBND xã giao cho anh trực tiếp chỉ đạo. Anh cho biết, ý tưởng được xuất phát từ một câu hỏi của đồng chí Đinh Hữu Niên, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, khi về kiểm tra đập thủy lợi, tình cờ hỏi: “nguồn nước này có thể tận dụng được gì ngoài việc tưới tiêu không?”. Từ câu hỏi đầy gợi mở đó, Đinh Hải Lý đã nhiều đêm trăn trở, tham khảo các đồng chí lãnh đạo xã, các đồng chí cán bộ kỹ thuật, cuối cùng anh quyết định xây dựng một kế hoạch: “nuôi cá lồng bè” tại đập thủy lợi.

Đinh Hải Lý cùng người dân kiểm tra lồng bè cá 

      Nuôi cá lồng bè là mô hình không phải là mới, thậm chí nó đã được áp dụng ngay trên xã Quy Hóa. Trước đây một số hộ gia đình đã tổ chức nuôi cá lồng bè ở các khe, suối nhưng không thành công vì thiếu nguồn nước thường xuyên, đến mùa khô hạn nước vẫn bị cạn không đủ để cá phát triển.

      Là người có chuyên ngành địa lý nên anh dễ dàng nhận ra đặc điểm ưu việt của hồ nước, đó là nguồn nước tự nhiên, có sẵn và không bao giờ cạn nhờ có các rạch nhỏ chảy về. Việc chứa nước để tưới tiêu hàng năm là việc đương nhiên nhưng chỉ có tưới tiêu thì sẽ không tận dụng hết nguồn nước. Theo kế hoạch, với  nguồn vốn sự nghiệp của phòng nông nghiệp 30 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật, anh vận động 3 hộ thực hiện thí điểm trên lòng hồ. Mỗi hộ thả 300 con giống. Theo tính toán, sau 7 tháng, trừ chi phí mỗi hộ thu lãi từ 30 đến 40 triệu đồng trên một lồng bè. Nếu mô hình thành công sẽ nhân rộng và tạo việc làm có thu nhập ổn định cho 10 đến 15 hộ trong thôn, nơi có đập chứa nước.

       Ngoài mô hình cá lồng bè, Lý còn được giao phụ trách và phối hợp phụ trách một số mô hình kinh tế khác như trồng rau sạch, nuôi nhím kinh tế, gà sao đẻ trứng …. Kể từ khi anh nhận nhiệm vụ, lĩnh vực Văn hóa – Xã hội do anh phụ trách trên địa bàn xã cũng có nhiều khởi sắc. Bà con, nhân dân phấn khởi mối khi gặp anh, tin tưởng những việc anh đề xuất, hướng dẫn hoặc chỉ đạo.  
 

Phó Chủ tịch xã trẻ đang thăm mô hình trồng rau của hộ gia đình

      Đồng chí Đinh Xuân Tứu, Chủ tịch UBND xã Quy Hóa cho biết, lãnh đạo xã hoàn toàn tin tưởng vào khả năng, trình độ và nhiệt huyết của đồng chí Lý, nhưng vì đồng chí Lý kinh nghiệm thực tiễn còn ít, va chạm cuộc sống chưa nhiều nên UBND xã tạo điều kiện để đồng chí thử thách trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên vẫn phân công người có kinh nghiệm kèm cặp, hướng dẫn, giúp đỡ mỗi khi đồng chí Lý gặp khó khăn. 

      Sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương cùng với sự nỗ lực không mệt mỏi của các Phó Chủ tịch xã trẻ tuổi, hy vọng các đội viên sẽ góp sức giúp dân xóa đói, giảm nghèo cũng như tin tưởng vào sự thành công của Dự án 600 Phó chủ tịch UBND xã của Chính phủ.

(theo phòng CTTN - Sở Nội vụ)