Thanh tra và một số vấn đề liên quan

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Khái niệm thanh tra, kiểm tra được hiểu như sau:
 
Thanh tra là một chức năng thiết yếu của quản lý nhà nước, là hoạt động kiểm tra, xem xét việc làm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; thường được thực hiện bởi một cơ quan chuyên trách theo một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, nhằm kết luận đúng, sai, đánh giá ưu, khuyết điểm, phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa, xử lý các vi phạm, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo về lợi ích của Nhà nước, các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
 
Kiểm tra là việc xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét với mục đích được đề ra; thường được thực hiện bởi có thể là do Nhà nước hoặc có thể là một tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (Đảng, Công đoàn, Mặt trận, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ…), hoạt động kiểm tra trong nội bộ một doanh nghiệp có thể là của bất kỳ một cá nhân nào trong xã hội trong bất cứ một hoạt động nào.
 
Theo Từ điển Tiếng Việt thì “nghiệp vụ” được hiểu là: “công việc chuyên môn của một nghề ”. Từ đó, có thể hiểu “nghiệp vụ thanh tra” là “công việc chuyên môn của nghề thanh tra”.
 
   Để hiểu rõ hơn, chúng ta cần phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra:
 
Một là về chủ thể tiến hành: Theo Từ điển Tiếng Việt thì “kiểm tra là xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét”. Giữa kiểm tra và thanh tra có một mảng giao thoa về chủ thể, đó là Nhà nước. Nhà nước tiến hành cả hoạt động thanh tra và kiểm tra, đó là một chức năng chung của quản lý Nhà nước, là hoạt động mang tính chất phản hồi của “chu trình quản lý”. Tuy nhiên, chủ thể của kiểm tra rộng hơn của thanh tra rất nhiều. Trong khi chủ thể tiến hành thanh tra phải là Nhà nước, thì chủ thể tiến hành kiểm tra có thể là Nhà nước hoặc có thể là chủ thể phi nhà nước, chẳng hạn như hoạt động kiểm tra của một tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội (Đảng, Công đoàn, Mặt trận, Đoàn thanh niên...), hay như hoạt động kiểm tra trong nội bộ một doanh nghiệp.
 
Hai là về mục đích thực hiện: Mục đích của thanh tra bao giờ cũng rộng hơn, sâu hơn đối với các hoạt động kiểm tra. Đặc biệt, đối với các cuộc thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo thì sự khác biệt về mục đích, ý nghĩa giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra càng rõ hơn nhiều, bởi: thông thường khiếu nại, tố cáo phản ánh sự bức xúc, bất bình của nhân dân trước những việc mà nhân dân cho là quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm cho nên mục đích của hoạt động thanh tra không còn chỉ là xem xét, đánh giá một cách bình thường nữa.
 
Ba là về phương pháp tiến hành: Với mục đích rõ ràng hơn, rộng hơn, khi tiến hành thanh tra, Đoàn thanh tra cũng áp dụng những biện pháp nghiệp vụ sâu hơn, đi vào thực chất đến tận cùng của vấn đề như: xác minh, thu thập chứng cứ, đối thoại, chất vấn, giám định... Đặc biệt, quá trình thanh tra các Đoàn thanh tra còn có thể áp dụng những biện pháp cần thiết để phục vụ thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra để tác động lên đối tượng bị quản lý.
 
Bốn là về cách thức xử lý vi phạm: Từ kết quả kiểm tra, người kiểm tra hoặc các đoàn kiểm tra thông thường chỉ tiến hành rút kinh nghiệm, khắc phục hậu quả trong phạm vi đơn vị được kiểm tra và yêu cầu làm đúng theo quy định và hướng dẫn của cấp trên. Trong khi đó, căn cứ vào kết quả thanh tra, các Đoàn thanh tra không chỉ rút kinh nghiệm với phạm vi rộng hơn, mức độ sâu sắc hơn mà còn có thể kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành các hình thức kỷ luật thích đáng, cá biệt nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự còn có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can.
 
Phân biệt giữa thanh tra với điều tra:
 
Điều tra hiểu theo nghĩa rộng nhất bao gồm: điều tra xã hội học, điều tra dân số, điều tra về kinh tế...Tuy nhiên, với mục đích tránh hình sự hoá công tác thanh tra, ở đây chỉ so sánh thanh tra với điều tra hình sự. Với ý nghĩa này, điều tra là hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền nhằm thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm. Như vậy, có thể nói giữa thanh tra và điều tra hình sự có sự khác nhau về chủ thể, mục đích, đối tượng và phương pháp tiến hành như sau:   
 
Một là về chủ thể tiến hành:
 
Theo quy định của Luật Thanh tra, chủ thể tiến hành thanh tra là các tổ chức thanh tra và chủ yếu là Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên.
 
Hai là về mục đích tiến hành:
 
Trong khi mục đích của điều tra hình sự là chứng minh tội phạm thì mục đích của thanh tra là những nội dung đã được quy định tại Điều 3 Luật thanh tra là:
 
- Phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật;
 
- Phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục;
 
- Phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
 
Ba là về phương pháp tiến hành:
 
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra áp dụng tổng hợp các biện pháp do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định như: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, bắt, khám xét, thu giữ, tạm giữ vật chứng, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, hỏi cung bị can, trưng cầu giám định, nhận dạng, đối chất, thực nghiệm điều tra... Trong khi đó các phương pháp tiến hành thanh tra lại do Luật thanh tra và các văn bản pháp luật có liên quan khác quy định như đối thoại, xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân...
 
Phân biệt giữa thanh tra và giám sát:
 
Trong Từ điển Tiếng Việt, “giám sát” được hiểu là “theo dõi và kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều đã quy định không”.
 
Như vậy, có thể nói: ở mức độ ý nghĩa chung nhất, giám sát và thanh tra đều được tiến hành trên cơ sở các quyền và nghĩa vụ của chủ thể được thanh tra, giám sát và đối tượng chịu sự thanh tra, giám sát. Tuy nhiên, chúng vẫn có điểm khác nhau cơ bản là: trong khi thanh tra luôn luôn gắn liền với quản lý nhà nước, mang tính quyền lực nhà nước thì giám sát có thể mang tính quyền lực nhà nước hoặc không mang tính quyền lực nhà nước.
 
       + Giám sát mang tính quyền lực nhà nước được tiến hành bởi chủ thể là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với một hay một số hệ thống cơ quan nhà nước khác, chẳng hạn như: hoạt động giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đối với các cơ quan nhà nước ở địa phương.
 
       + Giám sát không mang tính quyền lực nhà nước: Là loại hình giám sát được tiến hành bởi các chủ thể phi Nhà nước như hoạt động giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận đối với bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước; hay đơn giản chỉ là giám sát thi công một công trình.
 
Theo Thanh tra - Sở Nội vụ

Các tin khác