Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020"

Font size : A- A A+

Ngày 31/10/2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2828/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020". Theo đó, Quyết định có những nội dung chủ yếu sau:
 
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
 
1. Mục tiêu
 
1.1 Mục tiêu chung
 
- Mở rộng và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng công tác đào tạo nghề theo địa chỉ, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đến năm 2020;
 
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
1.2. Mục tiêu cụ thể
 
- Giai đoạn 2011 - 2015:
 
+ Đào tạo nghề (cả 3 cấp trình độ) cho 78.900 lao động nông thôn. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề khoảng 15.780 lao động, trong đó số lao động được hỗ trợ chi phí học nghề (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng) là 7.000 người/năm, gồm: Học nghề nông nghiệp: 3.000 người; học nghề phi nông nghiệp 4.000 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề tối thiểu chiếm 70%;
 
+ Đào tạo và bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý theo chức danh, từng vị trí công việc đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực thi công vụ cho 8.000 lượt các cán bộ, công chức xã.
 
- Giai đoạn 2016 - 2020:
 
+ Đào tạo nghề (cả 3 cấp trình độ) cho 89.700 lao động nông thôn. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề khoảng 18.000 lao động, trong đó số lao động được hỗ trợ chi phí học nghề (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng) là 10.000 người/năm, gồm: Học nghề nông nghiệp: 4.000 người; học nghề phi nông nghiệp 6.000 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề tối thiểu chiếm 80%;
 
+ Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho khoảng 12.000 lượt cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
 
2. Yêu cầu
 
- Việc triển khai thực hiện Đề án cần xác định những công việc trước mắt và những công việc có tính lâu dài. Thực hiện nghiêm túc chế độ thống kê, báo cáo đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp phù hợp để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh;
 
- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp được giao trách nhiệm chủ trì hoặc tham gia phối hợp phải đảm bảo thực hiện tốt nội dung công việc được phân công tại Kế hoạch này.
 
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
 
1. Tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn
 
- Tổ chức các hội nghị quán triệt Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tới cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;
 
- Tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020. Cấp ủy, Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã có văn bản lãnh đạo thực hiện;
 
- Hàng năm xác định nội dung tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm với lao động nông thôn và phân công cụ thể cho các cơ quan, tổ chức của tỉnh triển khai thực hiện. Tích cực tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò, vị trí đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn tích cực tham gia học nghề; tuyên truyền phổ biến các mô hình dạy nghề có hiệu quả tại các địa phương; tư vấn học nghề, việc làm miễn phí;
 
- Đổi mới chương trình và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT để học sinh có nhận thức đúng đắn về học nghề, nhất là với số học sinh học lực trung bình, không có khả năng học lên THPT, trung học, cao đẳng, đại học để chủ động lựa chọn loại hình học nghề phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình.
 
2. Triển khai các mô hình dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn
 
Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội thực tế tại địa phương, xác định những nghề phổ biến để xây dựng mô hình thí điểm dạy nghề. Tại mỗi huyện, thành phố tổ chức thí điểm 01 mô hình dạy nghề nông nghiệp và 01 mô hình dạy nghề phi nông nghiệp;
 
Nhân rộng những mô hình có tính khả thi cao, đạt được hiệu quả về kinh tế - xã hội, phù hợp với điều kiện của người lao động nông thôn và khả năng tổ chức ở địa bàn;
 
Việc tổ chức triển khai thí điểm dạy nghề cho lao động nông thôn theo mô hình, thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế với sự tham gia của nhiều bên gồm: Cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp tiếp nhận lao động sau đào tạo nghề, lao động nông thôn tham gia học nghề, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội;
 
3. Phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề
 
Rà soát, bổ sung Quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, trong đó chú trọng phát triển cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn; phát triển cơ sở dạy nghề thuộc doanh nghiệp; khuyến khích các cơ sở giáo dục đào tạo khác, trung tâm giới thiệu việc làm; trung tâm khoa học kỹ thuật nghiên cứu và sản xuất giống nông, lâm, thủy sản; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm khuyến nông, lâm, ngư; trang trại; nông trường; lâm trường; doanh nghiệp; hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ … có đủ điều kiện được tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
 
Giai đoạn 2011 - 2015 thành lập mới 01 trung tâm dạy nghề cấp huyện (huyện Quảng Ninh), 01 trường trung cấp nghề tư thục; nâng cấp Trường Trung cấp Nghề Quảng Bình thành Trường Cao đẳng Nghề Quảng Bình
 
Giai đoạn 2016 - 2020, phát triển thêm 7 - 10 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
 
Thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề được hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
 
4. Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề
 
4.1. Đối với giáo viên dạy nghề, người dạy nghề
 
Tăng biên chế đối với trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề đảm bảo đủ về số lượng theo quy định, tỷ lệ 01 giáo viên/20 học sinh quy đổi; giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tăng biên chế cho các trung tâm dạy nghề công lập, đảm bảo có ít nhất 01 giáo viên cơ hữu cho mỗi nghề đào tạo. Có cơ chế chính sách để thu hút giáo viên dạy nghề trong các trường, trung tâm dạy nghề;
 
Huy động những người có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn như thạc sỹ, kỹ sư có chuyên môn phù hợp, cán bộ kỹ thuật có trình độ trung cấp trở lên, người lao động có trình độ tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương trở lên làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư, nghệ nhân được cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phong tặng danh hiệu nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi là thành viên chủ chốt của hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở trở lên theo quy định tại Quyết định số 135/QĐ/HND ngày 04 tháng 4 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
 
4.2. Đối với cán bộ quản lý dạy nghề
 
- Tăng biên chế cán bộ quản lý tại các trung tâm dạy nghề công lập, bao gồm: Biên chế lãnh đạo, quản lý trung tâm; biên chế làm công tác đào tạo, tổ chức, hành chính, quản trị, thiết bị, kế toán, tài vụ.
 
- Đảm bảo mỗi huyện, thành phố có 01 cán bộ chuyên trách làm công tác  quản lý dạy nghề tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
 
- Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý dạy nghề các cấp và các cơ sở dạy nghề.
 
5. Phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề
 
- Tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề trên địa bàn tỉnh để xác định danh mục các nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cần phải xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu và danh mục thiết bị dạy nghề.
 
- Các cơ sở dạy nghề xây dựng chương trình đào tạo, sử dụng giáo trình dạy nghề hiện có, chỉnh lý, biên soạn bổ sung cập nhật tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới cho phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu của người học.
 
6. Hỗ trợ cho lao động nông thôn học nghề
 
Hàng năm, từ nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn tổ chức đào tạo cho khoảng 7.000 - 8.000 lao động nông thôn. Các đơn vị dạy nghề tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn với hình thức đào tạo tập trung tại đơn vị hoặc đào tạo lưu động đến xã, phường, thị trấn để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của họ.
 
Thực hiện chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bổ sung điều chỉnh mức chi phí đào tạo nghề, hỗ trợ học nghề cho phù hợp.
 
Tạo điều kiện cho lao động nông thôn học nghề hệ cao đẳng nghề, trung cấp nghề được vay vốn để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên).
 
Thực hiện hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay để học nghề đối với lao động nông thôn làm việc ổn định ở nông thôn sau khi học nghề và vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.
 
7. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã
 
Xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp.
 
Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố về nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy để áp ứng yêu cầu; bổ sung kiện toàn đội ngũ giáo viên của Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, xây dựng đội ngũ giáo viên kiêm chức (là cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ trường đại học) tham gia giảng dạy cho cán bộ, công chức cấp xã.
 
8. Hoạt động giám sát, đánh giá
 
- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá về hiệu quả hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn ở cả 03 cấp tỉnh, huyện, xã để các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp cùng giám sát, kiểm tra.
 
- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện Đề án và định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
 
9. Kinh phí thực hiện Đề án
 
Kinh phí thực hiện các nội dung của Kế hoạch được bố trí trong kế hoạch ngân sách hàng năm cho các cơ quan chủ trì thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
 
Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 525.420 triệu đồng (trong đó: NSTW: 479.840 triệu đồng; NSĐP: 32.170 triệu đồng; nguồn khác: 13.410 triệu đồng), cụ thể:
 
- Theo giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 2011 - 2015: 251.640 triệu đồng (trong đó kinh phí Trung ương là 233.410 triệu đồng, kinh phí địa phương là 12.860 triệu đồng, nguồn huy động xã hội hóa 5.370 triệu đồng); giai đoạn 2016 - 2020: 273.780 triệu đồng (trong đó kinh phí Trung ương là 246.430 triệu đồng, kinh phí địa phương là 19.310 triệu đồng, nguồn huy động xã hội hóa 8.040 triệu đồng).
 
- Theo nội dung hoạt động: Tuyên truyền, tư vấn, khảo sát, tập huấn cán bộ 9.580 triệu đồng; thí điểm mô hình dạy nghề 1.180 triệu đồng; đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề 284.200 triệu đồng; phát triển chương trình, giáo trình  5.770 triệu đồng; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề 4.180 triệu đồng; hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn 199.200 triệu đồng; giám sát đánh giá 3.160 triệu đồng; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã 18.150 triệu đồng.

 

More