Những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo ở xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình

Font size : A- A A+

    Kim Hóa là xã miền núi rẻo cao nằm ở phía Bắc cách trung tâm huyện Tuyên Hóa 12 km. Toàn xã có tổng diện tích tự nhiên là 18.197,76 ha; dân số có 1.510 hộ với 5.969 khẩu; trong đó, có 816 hộ, 3.368 khẩu theo đạo Thiên Chúa giáo (chiếm tỷ lệ 56,42%), sinh hoạt tại 01 nhà thờ giáo xứ (xứ Kim Lũ) và 04 nhà thờ giáo họ (Xuân Ninh, Xuân Hòa, Khe Nét và Kim Tiến); có 01 linh mục quản xứ; 01 Hội đồng mục vụ giáo xứ với 09 thành viên; 05 Hội đồng mục vụ giáo họ, với 38 thành viên…

 

    Những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, nhất là từ khi có Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác tôn giáo (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 25); Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 28/5/2003 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình về thực hiện Nghị quyết số 25 (sau đây viết tắt là Chương trình hành động số 23), tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo trên địa bàn xã Kim Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực; chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn xã đã phối hợp thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng đối với tôn giáo; giải quyết kịp thời những nhu cầu tôn giáo chính đáng của bà con giáo dân; hoạt động tôn giáo cơ bản tuân thủ theo quy định của pháp luật; đồng bào theo đạo đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động,…góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ quốc phòng- an ninh ở địa phương.

 

    Trên cơ sở Nghị quyết số 25 của Trung ương, Chương trình hành động số 23 của Tỉnh ủy Quảng Bình và các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Huyện ủy Tuyên Hóa về công tác tôn giáo, Đảng ủy xã Kim Hóa đã xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức hội nghị cốt cán gồm các Đảng ủy viên, lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam xã và các đoàn thể cấp xã, Bí thư các chi bộ, Trưởng các thôn trong toàn xã; phân công các Đảng ủy viên phụ trách các thôn, giúp đỡ các chi bộ tổ chức quán triệt, học tập trong toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; kết quả có trên 94% đảng viên; 71% đoàn viên, hội viên tham gia học tập…Qua triển khai học tập, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đã có nhiều chuyển biến tích cực; các tổ chức trong hệ thống chính trị đã ý thức được trách nhiệm của mình, chủ động hơn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan đến tôn giáo.

 

    Thông qua các buổi họp thôn, xóm, hội nghị Mặt trận và các đoàn thể, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, hệ thống loa truyền thanh…Chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã Kim Hóa đã tổ chức tuyên truyền cho bà con giáo dân về truyền thống yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực đấu tranh ngăn chặn việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta; vận động bà con nhân dân biết giữ gìn và phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và nhớ ơn những người có công với đất nước, dân tộc và nhân dân; biết tôn trọng tín ngưỡng tuyền thống của đồng bào các dân tộc và đồng bào có đạo…

 

    Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị ở địa phương. Xã đã chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tôn giáo, lĩnh vực đất đai liên quan đến tôn giáo…cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các chức việc và tín đồ tôn giáo trên địa bàn, từ năm 2003 đến nay, toàn xã đã tổ chức được 12 hội nghị, với hơn 1.200 lượt người tham gia (trong đó có 731 tín đồ tôn giáo)…Trong công tác vận động, tuyên truyền, Mặt trận và các ban ngành đoàn thể đã coi trọng công tác vận động chức sắc, chức việc tôn giáo, qua đó làm cho họ hiểu sâu về quyền và nghĩa vụ của công dân. Xác định trách nhiệm của mình trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đã vận động bà con giáo dân tham gia các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,  “Gia đình văn hóa”, “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”; vận động nhân dân xây dựng “Quỹ hỗ trợ nông dân”…gắn với việc phát động xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào có đạo; mô hình “An toàn làm chủ về An ninh trật tự” ở thôn Kim Lịch; “Xóm đạo bình yên” ở thôn Kim Lũ 1; “Đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự” ở thôn Kim Tiến; mô hình “Điểm sáng chấp hành pháp luật ở cộng đồng dân cư” ở thôn Kim Trung hay mô hình “Cựu Chiến binh với công tác đảm bảo an ninh trật tự” ở thôn Kim Ninh…v.v. Mặt khác, để tạo sự đoàn kết gắn bó giữa chính quyền địa phương với giáo xứ, hằng năm nhân dịp các ngày lễ lớn của dân tộc, các ngày Lễ trọng của Giáo hội Công giáo, Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã Kim Hóa đã tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu bóng chuyền với Hội đồng mục vụ…thu hút hàng trăm lượt bà con giáo dân đến xem và cổ vũ phong trào…

 

    Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy Tuyên Hóa, Đảng ủy xã Kim Hóa đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo; Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã xây dựng Kế hoạch phát triển chăn nuôi, phát triển cây cao su tiểu điền, kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với lợi ích của nhân dân…Hiện trên địa bàn xã có 02 doanh nghiệp tư nhân do giáo dân làm chủ, hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất chế biến; có 03 cơ sở chế biến gỗ dân dụng, 15 ô tô tải, 01 xe khách chuyên chở học sinh. Đặc biệt, trên địa bàn xã có chợ Kim Lũ- là chợ lớn thuộc khu nông thôn có trên 60% số hộ là bà con giáo dân, hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Xã đã tập trung giao đất, giao rừng để phát triển kinh tế cho người dân với 4.897 ha; hằng năm đã trồng mới và trồng lại trên diện tích 638 ha…Đến nay, có 7/8 thôn đều có nhà văn hóa khang trang; có 3/5 trường đạt chuẩn Quốc gia; công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội được các cấp, các ngành quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm 5,3%...

 

    Song song với việc phát triển kinh tế-xã hội, Đảng ủy xã Kim Hóa đã tập trung chỉ đạo UBND xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn; giải quyết kịp thời những nhu cầu tôn giáo chính đáng của bà con giáo dân. Các cuộc lễ lớn như Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh, Lễ Chầu lượt, Lễ khánh thành Cung hiến nhà thờ…đều được chính quyền thống nhất với giáo xứ về hình thức, phạm vi tổ chức theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; cán bộ theo dõi công tác tôn giáo của xã thường xuyên tham mưu cho UBND xã hướng dẫn các thủ tục hành chính về tôn giáo cho các chức sắc, chức việc…Tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, bà con giáo dân hoạt động tôn giáo theo đúng Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực tôn giáo; quan tâm xem xét giải quyết các nhu cầu về đất đai, xây dựng của các giáo xứ, giáo họ, đến nay trên địa bàn xã có 05 giáo xứ, giáo họ có nhà thờ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân trên địa bàn.

 

    Cùng với tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy Tuyên Hóa về xây dựng cốt cán tôn giáo, Đảng ủy xã Kim Hóa đã lựa chọn 13 cốt cán là những cá nhân nòng cốt trong tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, trong chức sắc, chức việc có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của công dân, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt việc đạo, việc đời, góp phần tích cực vào các phong trào ở địa phương và sự tiến bộ của đồng bào có đạo. Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở các thôn có bà con Công giáo nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của các Chi bộ Đảng như ở các thôn: Kim Lũ 1, Kim Lũ 2, Kim Trung, Kim Ninh, Kim Tiến, Kim Lịch…Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy làm công tác tôn giáo được cấp ủy, chính quyền xã Kim Hóa từng bước quan tâm, đó là thành lập Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo xã, do Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã làm Trưởng ban, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã và Phó Chủ tịch UBND xã làm Phó Trưởng ban; các thành viên gồm có Trưởng các đoàn thể cấp xã; Ban Chỉ đạo hoạt động theo quy chế đã được ban hành; phân công các thành viên phụ trách địa bàn các thôn;…góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ công tác tôn giáo trên địa bàn xã thời gian qua.

 

    Có thể nói, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25 của Trung ương về công tác tôn giáo gắn với Chương trình hành động số 23 của Tỉnh ủy Quảng Bình và các Kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Huyện ủy Tuyên Hóa, tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo trên địa bàn xã Kim Hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, bà con nhân dân trên địa bàn xã nói chung, bà con giáo dân nói riêng đã phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn xã đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo đối với cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào có đạo; hệ thống chính trị và toàn xã hội đã thấm nhuần và thống nhất quan điểm, chính sách về tôn giáo; đời sống của nhân dân (trong đó có đồng bào có đạo) được nâng lên rõ rệt; bộ mặt nông thôn từng bước được khởi sắc, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường…

 

    Tin tưởng rằng, thời gian tới Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội xã Kim Hoá sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác tôn giáo gắn với các Kế hoạch, Chương trình hành động, Quyết định, Chỉ thị về công tác tôn giáo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các kế hoạch, văn bản hướng dẫn của huyện Tuyên Hóa…Qua đó, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa đối với công tác tôn giáo ở địa phương; từng bước hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong giai đoạn tiếp theo./.

 

Trung Chính