Ban Tôn giáo - 10 năm một chặng đường

Font size : A- A A+

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, bộ máy quản lý Nhà nước về công tác tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn, đi vào ổn định, góp phần tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tôn giáo trong tình hình mới.

 

Trước năm 2001, công tác tôn giáo ở tỉnh được giao cho Phòng Tôn giáo thuộc Văn phòng UBND tỉnh đảm nhiệm; đến năm 2001, bộ phận này được sáp nhập về Ban Dân tộc - Miền núi thành Ban Dân tộc - Miền núi và Tôn giáo, đây là cơ quan tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về hai lĩnh vực công tác: Công tác dân tộc và công tác tôn giáo.

 

Trong thời gian này, công tác tôn giáo trên địa bàn toàn quốc nói chung, tỉnh ta nói riêng có những biến động mới, đòi hỏi phải kiện toàn bộ máy làm công tác tôn giáo cấp tỉnh; trước tình hình đó, ngày 30/7/2004 tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XV đã ra Nghị quyết số 11/2004/NQ-HĐND thành lập Ban Tôn giáo. Ban Tôn giáo là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh, kể từ đây danh xưng “Ban Tôn giáo” chính thức ra đời.

 

Đến năm 2008, thực hiện Nghị định 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Tôn giáo được sáp nhập vào Sở Nội vụ, trở thành một đơn vị trực thuộc Sở với nhiệm vụ giúp Giám đốc Sở tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo ở địa phương. 

 

Từ khi thành lập đến nay, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo tỉnh, UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo luôn chủ động tham mưu, tích cực phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương có liên quan đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị là tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo nên tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định; các hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường và đi vào nề nếp; phần lớn các chức sắc, bà con giáo dân, tín đồ phật tử phấn khởi tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; đặc biệt trong công tác giải quyết các nhu cầu sinh hoạt chính đáng của các tổ chức tôn giáo và bà con giáo dân đều được đáp ứng và cơ bản theo quy định của pháp luật; trong đó nỗi bật một số kết quả như sau: 

 

   - Tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt, thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng về công tác tôn giáo như Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác tôn giáo; các Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 31/5/2007 tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình hiện nay; Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 10/9/2013 tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo; Chỉ thị số 05/2007/CT-UBND ngày 24/8/2007 của UBND tỉnh về nâng cao hiệu lực Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Nghị định 22/2005/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo và hiện nay là Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo...v.v. đến các đối tượng có liên quan. 

 

   Bên cạnh đó, tích cực tham mưu, đề xuất cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương xem xét, giải quyết các nhu cầu chính đáng của các tổ chức, chức sắc tôn giáo một cách thảo đáng, theo đúng quy định của pháp luật như: Việc thành lập tổ chức tôn giáo cơ sở; phong chức, phong phẩm và bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc tôn giáo; giao đất để xây dựng công trình tôn giáo; cấp phép xây dựng các công trình tôn giáo. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các sinh hoạt, lễ nghi tôn giáo quan trọng trong các tôn giáo như: Lễ Noel, Mùa Vọng (đạo Công giáo), Lễ Phật đản, Vu Lan (đạo Phật) và các sinh hoạt khác theo đúng quy định. 

 

   - Luôn chủ động, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, các đoàn thể  chính trị - xã hội, các địa phương có liên quan từ Trung ương đến địa phương có liên quan tăng cường tiếp xúc với các vị chức sắc, nhà tu hành (đã tổ chức trên 300 buổi tiếp xúc, làm việc với các chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo). Tích cực đấu tranh đối các hoạt động lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực như: xây dựng, đất đai, sinh hoạt...v.v. tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, chức sắc và tín đồ các tôn giáo.

 

   - Trong công tác phối hợp: Chủ động xây dựng chương trình phối hợp, hành động và tổ chức ký kết chương trình phối hợp trong công tác tôn giáo với các ngành liên quan như: Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Thông qua chương trình phối hợp đã huy động được nhiều ngành chức năng vào cuộc, phát huy thế mạnh và trách nhiệm của từng ngành trong nhiệm vụ công tác tôn giáo nói chung. Từ đó, các vấn đề tôn giáo phát sinh trên địa bàn được giải quyết tốt; góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, tình hình tôn giáo trong những thời điểm chính trị nhạy cảm được giữ vững.

 

Ngoài ra, tích cực chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng ở tỉnh và các huyện, thành phố, thị xã tổ chức các lớp tuyên truyền, phố biến kiến thức pháp luật cho cán bộ làm công tác tôn giáo các cấp; mở các lớp giáo dục kiến thức Quốc phòng cho chức sắc các tôn giáo. Do đó, đã tạo sự chuyển biến khá rõ nét nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là trong giới chức sắc và tín đồ các tôn giáo…v.v.

 

Qua 10 năm hình thành và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Tôn giáo tỉnh nhà có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được. Tuy nhiên, cũng phải thẵng thắn nhìn nhận rằng công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo đôi lúc vẫn còn những hạn chế nhất định. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí, bộ máy làm công tác tôn giáo toàn tỉnh nói chung, Ban Tôn giáo nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn...v.v. đòi hỏi cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương phải tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc lãnh, chỉ đạo công tác tôn giáo; sự phối hợp đồng bộ và có hiệu quả hơn nữa của các ngành, địa phương có liên quan, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo tỉnh nhà phải tiếp tục nổ lực phấn đấu nhiều hơn nữa.

 

Những đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Tôn giáo thời gian qua đã được Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh ghi nhận. Liên tục nhiều năm qua, tập thể Ban Tôn giáo tỉnh được Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; nhiều tập thể và cá nhân, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo qua các thế hệ được khen, tặng thưởng những danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Bước vào giai đoạn mới được dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng tin tưởng rằng: với sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các sở ngành và địa phương có liên quan; phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban Tôn giáo sẽ quyết tâm phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo trong tình hình mới./.

 

Duy Hạnh

More