Quyết liệt các giải pháp nâng cao các bộ chỉ số cải cách hành chính

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách thường xuyên, liên tục, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, có kiểm tra, đánh giá và có hiệu quả - đó là chỉ đạo trọng tâm của đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị bàn giải pháp nâng cao các bộ chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh tổ chức vào sáng ngày 9/3. Cùng chủ trì và điều hành Hội nghị có đồng chí Phan Mạnh Hùng, đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Công Huấn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo báo cáo về kết quả thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 10 chỉ số thành phần trong bộ chỉ số này đã được các đơn vị đầu mối xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đã góp phần cải thiện các chỉ số, cụ thể như: thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm 10 ngày so với quy định; thời gian làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp giảm còn 2,4 ngày, thời gian giải quyết hồ sơ trễ hạn chỉ chiếm 0,3%.

Đối với bộ chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Bộ chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), so với năm 2021, kết quả một số lĩnh vực đã được cải thiện như lĩnh vực công tác chỉ đạo điều hành, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính … Kết quả tự đánh giá chỉ số CCHC tỉnh năm 2022 đạt: 61,3/68 điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nhiều chỉ số, chỉ tiêu vẫn chưa cải thiện.

Đánh giá kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, dẫn đến nhiều chỉ số, chỉ tiêu dự báo sẽ giảm điểm, giảm thứ hạng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, khả năng cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư của tỉnh, đồng chí Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc UBND tỉnh tổ chức sớm Hội nghị bàn các giải pháp nâng cao các bộ chỉ số cải cách hành chính khi Trung ương chưa công bố kết quả xếp hạng các Bộ chỉ số chính là quyết tâm của Quảng Bình nhằm cải thiện sớm các chỉ số cải cách hành chính thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách thường xuyên, liên tục, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, có kiểm tra, đánh giá.

 

Đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận Hội nghị.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu phải đổi mới công tác tuyên tuyền cải cách hành chính; rà soát, sắp xếp; lựa chọn những cán bộ có trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ để bố trí làm việc tại các vị trí thường xuyên tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác cải cách thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm văn hóa công sở, kỷ luật kỷ cương công vụ; thành lập các đoàn kiểm tra công vụ để kiểm tra đột xuất, nhằm chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.

Đối với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động rà soát, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện, làm cơ sở để điều chỉnh, bổ sung và đưa ra các biện pháp, giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chỉ số này.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tập trung quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; công khai kịp thời, đầy đủ các chế độ chính sách, quy hoạch, thủ tục hành chính... để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin. Tiếp tục tăng cường công tác giám sát phản biện, phản ánh đối với các hoạt động của cơ quan hành chính các cấp, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nâng cao sự hải lòng của người dân và doanh nghiệp với công tác cải cách hành chính trên địa bàn.

Nguồn: QBTV

Các tin khác