Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 tại phiên họp thứ 44 ngày 14 tháng 4 năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Xem với cỡ chữ : A- A A+

1. Phạm vi và mục tiêu việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025:

- Nghị quyết quy định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã trong năm 2025 theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương về tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy chính trị.

- Việc sắp xếp nhằm giảm số lượng đơn vị, tăng quy mô, phát huy tiềm năng - lợi thế, mở rộng không gian phát triển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền

2. Nguyên tắc sắp xếp:

- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ Hiến pháp, luật pháp và quy hoạch được phê duyệt.

- Ưu tiên sắp xếp các đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số; cân nhắc yếu tố lịch sử, văn hóa, địa lý, tiềm năng phát triển và quốc phòng, an ninh.

- Gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, chuyển đổi số, phát huy sự gần dân của cấp xã.

- Không áp dụng một số tiêu chuẩn đô thị khi xét đơn vị mới sau sắp xếp.

3. Các trường hợp không bắt buộc sắp xếp

Đơn vị có vị trí biệt lập hoặc đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.

4. Định hướng tiêu chuẩn của ĐVHC cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp

Đơn vị mới phải đạt diện tích và dân số theo quy định. Nếu định hướng thành thành phố trực thuộc Trung ương thì phải cơ bản đạt tiêu chuẩn của loại hình này.

5. Định hướng tiêu chuẩn của ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp

- Mục tiêu giảm khoảng 60 - 70% tổng số xã hiện có.

- Với xã miền núi, vùng cao: diện tích ≥ 200%, dân số ≥ 100% tiêu chuẩn.

- Với xã thường: dân số ≥ 200%, diện tích ≥ 100% tiêu chuẩn.

- Phường thuộc TP trực thuộc TW: dân số ≥ 45.000; phường miền núi ≥ 15.000; còn lại ≥ 21.000; diện tích tối thiểu 5,5 km².

- Trường hợp nhập ≥ 3 xã/phường thì không yêu cầu đánh giá tiêu chuẩn cụ thể.

* Nguồn số liệu diện tích, dân số (Số liệu được tính đến ngày 31/12/2024)

+  Diện tích xác định theo thống kê đất đai có xác nhận của cơ quan quản lý nông nghiệp và môi trường cấp tỉnh.

+ Dân số bao gồm thường trú và tạm trú do Công an cung cấp.

6. Đặt tên ĐVHC sau sắp xếp

- Cấp tỉnh: ưu tiên giữ tên một trong các tỉnh cũ theo định hướng.

- Cấp xã: tên dễ đọc, dễ nhớ, phản ánh lịch sử, văn hóa; khuyến khích đặt tên theo số/thứ tự; tránh trùng tên trong phạm vi tỉnh.

7. Trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh

7.1. Căn cứ định hướng sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Chính phủ phân công UBND của 01 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh.

7.2. Hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm có:

- Tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh;

- Đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo mẫu quy định;   

-  Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của HĐND các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;

- 02 tờ bản đồ, gồm 01 tờ bản đồ về hiện trạng địa giới các đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sắp xếp và 01 tờ bản đồ về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh;

- Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

7.3. UBND cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; quyết định nội dung, hình thức lấy ý kiến theo hướng dẫn của Chính phủ.

7.4. Sau khi có kết quả lấy ý kiến Nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp) hoàn thiện đề án, gửi Hội đồng nhân dân các cấp có liên quan để xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (cơ quan chủ trì) tổng hợp báo cáo chung trên cơ sở báo cáo kết quả của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cùng sáp nhập (cơ quan phối hợp).

7.5. Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định nội dung đề án do các địa phương chuẩn bị, tổng hợp, xây dựng đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội.

7.6. Hồ sơ đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh kèm theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội phải được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

8. Trình tự, thủ tục xây dựng và thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

8.1. UBND cấp tỉnh xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn theo các nguyên tắc sắp xếp và định hướng.  

8.2. Hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã gồm có:

- Tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã;

- Đề án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo mẫu quy định;

- Báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân, ý kiến của HĐND các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;

- Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã;

-  02 tờ bản đồ, gồm 01 tờ bản đồ về hiện trạng địa giới của tất cả các đơn vị hành chính cấp xã có liên quan 01 tờ bản đồ về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã;

- Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

8.3 UBND cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

8.4. Thông qua HĐND các cấp có liên quan xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tổng hợp và gửi Bộ Nội vụ để thẩm định.

8. 5. Bộ Nội vụ tổ chức thẩm định nội dung đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã do địa phương chuẩn bị và tổng hợp, xây dựng đề án của Chính phủ về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội

8. 6. Hồ sơ đề án của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

9. Kiện toàn bộ máy, chính sách sau sắp xếp

9.1. Sắp xếp tổ chức, bộ máy

- Việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương khi sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất và gắn với việc sắp xếp tổ chức Đảng và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

- Tổ chức chính quyền địa phương sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương

9.2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức

- Tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng.

- Tổng số cán bộ, công chức, viên chức không vượt quá trước khi sắp xếp.

- Hoàn thành cơ bản việc sắp xếp trong vòng 5 năm.

9.3. Tài sản, trụ sở

- Thực hiện theo quy định về tài sản công.

- Chính quyền địa phương nơi dự kiến bố trí trụ sở hành chính của ĐVHC mới sau sắp xếp có trách nhiệm chủ động cân đối, bố trí ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của ĐVHC hình thành sau sắp xếp; quan tâm đến nhà ở công vụ, phương tiện đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các ĐVHC thực hiện sắp xếp để ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính mới sau sắp xếp.

9.4. Chính sách đặc thù

- Giữ nguyên chính sách đặc thù hiện hành đến khi có quyết định mới.

- Nếu thay đổi tên gọi, dùng tên mới để tiếp tục thực hiện chính sách.

9.5.  Con dấu, giấy tờ:

Chuyển đổi giấy tờ, sử dụng con dấu mới theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

10. Kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC:

Kinh phí sắp xếp do ngân sách địa phương bảo đảm, trung ương hỗ trợ một phần (100 tỷ đồng/tỉnh giảm; 500 triệu đồng/xã giảm).

11. Chế độ chính sách đặc thù:

- Người dân và cán bộ được giữ nguyên quyền lợi, chế độ vùng, khu vực trước sắp xếp cho đến khi có quy định mới.

- Các đơn vị mới vẫn thực hiện chính sách đặc thù theo tên gọi mới.

12. Hiệu lực thi hành: Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/4/2025.

Bãi bỏ Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Nghị quyết số 50/2024/UBTVQH15 kể từ thời điểm này./.

Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15

 

Các tin khác