Bố Trạch sẵn sàng sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Xem với cỡ chữ : A- A A+

(QBĐT) - Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, giai đoạn 2023-2025, huyện Bố Trạch sẽ sắp xếp lại 6 ĐVHC cấp xã. Đây là địa phương có số ĐVHC cấp xã sắp xếp lại nhiều nhất trong tỉnh giai đoạn này. Đề án sắp xếp ĐVHC được huyện xây dựng đúng quy định, đang tổ chức thực hiện bảo đảm tiến độ đề ra, hướng đến mục tiêu cao nhất là mang lại sự phát triển mới cho địa phương và lợi ích cho nhân dân.

 

Các ĐVHC cấp xã sẽ sắp xếp, gồm: Sơn Lộc, Vạn Trạch, Mỹ Trạch, Hạ Trạch, Nam Trạch, Lý Trạch. Căn cứ vào điều kiện tiêu chuẩn, Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch đã tính toán, cân nhắc để xây dựng đề án sắp xếp phù hợp, mang lại hiệu quả tốt nhất có thể.

 

Theo đó, thành lập xã Vạn Lộc trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của hai xã: Sơn Lộc và Vạn Trạch. Hiện, xã Sơn Lộc có diện tích tự nhiên đạt 40,7% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số đạt 34,4% so với tiêu chuẩn. Xã Vạn Trạch có diện tích tự nhiên đạt 92,8% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số đạt 95,9% so với tiêu chuẩn. Xã Sơn Lộc thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025, giáp xã Vạn Trạch thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2026-2030, tương đồng về điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội.

Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp xã, giai đoạn 2023-2025 huyện Bố Trạch họp triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị cho công tác sắp xếp ĐVHC.

Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp xã, giai đoạn 2023-2025 huyện Bố Trạch họp triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị cho công tác sắp xếp ĐVHC.

 

Việc hợp nhất hai xã này bảo đảm sự tiếp nối để hoàn thành mục tiêu sắp xếp cả giai đoạn 2023-2030. Sau sắp xếp, xã mới Vạn Lộc có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn quy định.

 

Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc Phan Văn Tiến cho biết: “Việc sắp xếp lại ĐVHC cấp xã là chủ trương lớn của Trung ương, của tỉnh. Sau khi có các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo của cấp trên, xã đã tiến hành triển khai thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Qua nắm bắt tâm tư, ý kiến của cán bộ, nhân dân, nhận thấy một số vẫn đang băn khoăn về việc thay đổi giấy tờ tùy thân; ảnh hưởng đến phong tục tập quán hiện có, vấn đề dôi dư cán bộ sau khi sắp xếp... Trước những vấn đề đó, lãnh đạo xã đã có giải thích, tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ”.

 

Xã Nam Trạch có diện tích tự nhiên đạt 64,3%, quy mô dân số đạt 47,8% so với tiêu chuẩn. Xã Lý Trạch có diện tích tự nhiên đạt 74%, quy mô dân số đạt 67,3% so với tiêu chuẩn. Nam Trạch thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023-2025, giáp xã Lý Trạch là ĐVHC cùng cấp thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2026-2030. Hai xã này có đất đai liền thổ, có điều kiện tương đồng về tự nhiên và xã hội. Việc sắp xếp xã Nam Trạch và Lý Trạch thành xã mới dự kiến có tên Lý Nam bảo đảm sự tiếp nối để hoàn thành mục tiêu sắp xếp cả giai đoạn 2023-2030.

 

Tiêu chuẩn thành lập ĐVHC được quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của ĐVHC và phân loại ĐVHC; Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15, ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, cụ thể, tiêu chuẩn của xã, quy mô dân số: Xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên; xã không thuộc miền núi, vùng cao từ 8.000 người trở lên. Diện tích tự nhiên: Xã miền núi, vùng cao từ 50km2 trở lên; xã không thuộc miền núi, vùng cao từ 30km2 trở lên.

Bí thư Đảng ủy xã Lý Trạch Nguyễn Minh Ngọc thông tin: “Hiện tại, xã đang làm tốt các công tác chuẩn bị cho việc sắp xếp ĐVHC theo chỉ đạo của tỉnh, huyện. Đảng bộ xã và các chi bộ trực thuộc đã họp, chỉ đạo các thôn thành lập danh sách lấy phiếu cử tri theo từng thôn. Hiện, qua nắm bắt tình hình dư luận, đa số người dân đều đồng thuận theo chủ trương sắp xếp. Tuy nhiên, lãnh đạo xã cũng không chủ quan, luôn bám sát cơ sở nắm bắt tình hình nhằm có chỉ đạo kịp thời khi xảy ra tình huống phát sinh, để đạt được kết quả như kế hoạch đề ra”.

Theo đề án, xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch sau sắp xếp ĐVHC dự kiến có tên là Hạ Mỹ. Xã Hạ Trạch có diện tích tự nhiên đạt 61,4%, quy mô dân số đạt 67,2% so với tiêu chuẩn. Xã Mỹ Trạch có diện tích tự nhiên đạt 30,9%, quy mô dân số đạt 45,2% so với tiêu chuẩn. Đây là hai ĐVHC cùng cấp liền kề, thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025, do đó, hai xã sắp xếp với nhau là phù hợp.

 

Trưởng phòng Nội vụ huyện Bố Trạch Lê Hữu Thiết cho hay, bám sát vào chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện Bố Trạch đã xây dựng đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã, giai đoạn 2023-2025 theo đúng quy định. Huyện cũng ban hành các văn bản chỉ đạo theo đúng tiến độ thực hiện sắp xếp; chỉ đạo các xã sắp xếp lại ĐVHC đợt này thành lập tổ lấy ý kiến cử tri; chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm cho ngày bỏ phiếu lấy ý kiến cử tri vào ngày 14/4 sắp tới. Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác đến cử tri, nhân dân, nhằm tạo đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ trong thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Việc sắp xếp ĐVHC góp phần tập trung huy động nguồn lực trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương (ảnh: Một góc xã Sơn Lộc).

Việc sắp xếp ĐVHC góp phần tập trung huy động nguồn lực trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương (Ảnh: Một góc xã Sơn Lộc).

 

Để triển khai việc sắp xếp ĐVHC cấp xã theo đúng kế hoạch, Ban Chỉ đạo (BCĐ) sắp xếp ĐVHC cấp xã, giai đoạn 2023-2025 huyện Bố Trạch đã triển khai nhiều hội nghị phân tích, đánh giá tình hình. Từ đó, đưa ra những biện pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất của các địa phương theo đúng thẩm quyền; xác định thời điểm quan trọng phù hợp cho việc sắp xếp, có lợi cho cán bộ, nhân dân ĐVHC sau sắp xếp.

 

Xác định việc sắp xếp ĐVHC cấp xã là chủ trương lớn, nhiệm vụ chính trị quan trọng, BCĐ huyện Bố Trạch yêu cầu cán bộ lãnh đạo các cấp phải gắn trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Các phòng, ban, địa phương liên quan tạm dừng các công việc, cuộc họp không cần thiết để ưu tiên tập trung triển khai công tác chuẩn bị sắp xếp ĐVHC; tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, đặc biệt là những địa bàn khó để có định hướng đúng đắn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người dân. Từ kinh nghiệm của giai đoạn 2019-2021, huyện Bố Trạch đang có những cách làm riêng để giải quyết thỏa đáng chính sách, chế độ với cán bộ dôi dư.

 

Đối với băn khoăn về tên gọi ĐVHC sau khi sắp xếp, BCĐ huyện yêu cầu các địa phương liên quan đưa ra phương án phù hợp và lấy ý kiến nhân dân, thống nhất tên gọi theo đa số cử tri và báo cáo BCĐ huyện xem xét, báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh. Tuy nhiên, tên gọi phải bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương và khuyến khích sử dụng một trong các tên gọi đã có của các ĐVHC trước khi sắp xếp để đặt tên cho ĐVHC hình thành sau khi sắp xếp…

 

Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã phù hợp với yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển của tỉnh, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống chính trị; tinh giản biên chế, giảm chi phí hành chính gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Thông qua việc sắp xếp ĐVHC sẽ thúc đẩy quá trình đô thị hóa, tạo điều kiện tập trung huy động nguồn lực trong phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển kinh tế vùng, liên vùng; hoàn thiện các thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 

(Theo Báo Quảng Bình)

Các tin khác